Nguy cơ mất trắng 730ha lúa đông xuân do bệnh đạo ôn cổ bông

11:06 - Thứ Năm, 11/05/2017 Lượt xem: 8003 In bài viết
ĐBP - Nhiều ngày qua, nông dân các xã vùng lòng chảo Điện Biên như: Thanh Chăn, Thanh Xương, Thanh An… đứng ngồi không yên vì hàng trăm héc ta lúa đông xuân sắp đến kỳ thu hoạch có nguy cơ mất trắng vì bị bệnh đạo ôn cổ bông.

Vụ đông xuân 2016 - 2017, khu vực lòng chảo Điện Biên gieo cấy 3.620ha lúa. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn trổ bông, chuẩn bị thu hoạch. Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên, đến ngày 4/5, khu vực lòng chảo có 730ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông; trong đó, trà sớm bị nhiễm 161ha, trà chính vụ bị nhiễm 569ha.

 

Nông dân xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.

Vụ đông xuân năm nay, xã Thanh Chăn gieo cấy 260ha lúa, trong đó 40% diện tích là giống lúa Séng cù. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa Séng cù đã nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, nguy cơ mất trắng. Ông Lù Văn Phong, đội 2, xã Thanh Chăn gieo cấy 1.200m2 giống lúa Séng cù thì 100% diện tích lúa đều bị nhiễm bệnh. Khoảng nửa tháng trước, khi phát hiện lúa có dấu hiệu nhiễm bệnh, ông Phong đã mua thuốc về phun phòng, nhưng phun đến lần thứ 3 bệnh không có dấu hiệu giảm. Ông Phong chua xót cho biết: Năm 2016, trồng thử giống Séng cù vừa được mùa, được giá nên năm nay gia đình tôi quyết định gieo cấy hết diện tích bằng giống lúa này. Thời kỳ đẻ nhánh cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường, không có sâu bệnh. Tuy nhiên, sau khi trổ bông khoảng 1 tuần bệnh đạo ôn cổ bông bắt đầu “tấn công” làm bông lúa héo dần rồi khô hẳn. Đến nay, trên 90% diện tích lúa của gia định bị nhiễm nặng 2 - 3 hôm nữa, gia đình tôi sẽ đi gặt lấy rơm và chuẩn bị đất để sản xuất vụ mùa. Vụ đông xuân năm nay coi như mất trắng.

“Của đau, con xót”, chiều nào 2 vợ chồng anh Lò Văn Hoàn, đội 2, xã Thanh Chăn cũng ra đồng cắt bỏ những phần diện tích lúa bị nhiễm bệnh mong cứu vãn tình hình nhưng cũng gần như vô vọng. Anh Hoàn cho biết: Vụ này gieo cấy 1.500m2 thì 1/2 diện tích là giống Séng cù. Đến nay, gần như toàn bộ diện tích lúa Séng cù đã bị nhiễm đạo ôn cổ bông. Từ khi phát hiện bệnh, tôi tích cực mua thuốc phun 1 lần/tuần; cùng với đó là cắt bỏ những phần lúa bị bệnh để tránh lây lan nhưng vẫn không ăn thua. Mặc dù, cán bộ khuyến nông xã khuyến cáo lúa nhiễm bệnh này phun thuốc cũng không có tác dụng nhưng vì xót của nên dù tốn kém (mỗi lần phun hết 200.000 – 300.000 đồng tiền thuốc) nhưng tôi vẫn cố cứu lúa mong vớt vát phần nào.

Chị Lò Thị Minh Nhẫn, Trạm phó Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên cho biết: Nguyên nhân lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông là do người dân không tuân thủ cơ cấu giống, áp giống ngắn ngày (Séng cù) vào cùng lịch thời vụ giống dài ngày. Hơn nữa, giống lúa này rất mẫn cảm với sâu bệnh, khả năng chống chịu kém cộng thêm thời tiết diễn biến phức tạp nên bệnh lây lan, phát triển nhanh. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, bà con chỉ phun phòng trừ khi lúa chuẩn bị trổ bông mới có hiệu quả, nếu đợi đến khi lúa bị nhiễm mới phun thì không có tác dụng.

Vụ đông xuân năm 2016 – 2017, huyện Điện Biên chỉ đạo sản xuất với cơ cấu giống: 45 – 50% giống Bắc thơm; 15 – 20% giống IR64; 15 – 20% giống nếp, còn lại các loại giống khác. Tuy nhiên, khi thực hiện người dân lại sản xuất theo nhu cầu của thị trường nên đã phá vỡ cơ cấu giống của huyện dẫn tới khu vực lòng chảo Điện Biên có đến 25% diện tích gieo cấy giống lúa Séng cù, do vụ mùa năm 2016, giống lúa này được mùa, được giá so với các giống khác. Lúa nhiễm bệnh, mất mùa là do người dân không tuân thủ cơ cấu giống, sản xuất chưa đúng quy trình kỹ thuật, nhưng việc người dân phá vỡ cơ cấu giống có phần trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương về quản lý giống.

Trao đổi về việc quản lý giống nông nghiệp trên địa bàn, ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Công tác quản lý giống trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Bởi vì, hiện nay, chính sách hỗ trợ giống của Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cùng với đó, ngày càng có nhiều đại lý cung cấp giống nông nghiệp nên người dân có nhiều lựa chọn đưa vào sản xuất. Để thực hiện tốt công tác quản lý giống, huyện đã thành lập đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm song vẫn không thể kiểm soát hết.

Hiện nay, huyện Điện Biên chưa thăm đồng, định sản lúa đông xuân 2016 - 2017, song có thể nhận thấy năng suất lúa sẽ bị ảnh hưởng do bị sâu bệnh. Đây là lời cảnh báo cho công tác quản lý giống và thực hiện cơ cấu giống nông nghiệp trên địa bàn; để nông dân tự phát chạy theo thị hiếu của thị trường mà phá vỡ đi các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật sản xuất để rồi nhận kết quả không như mong muốn.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top