Cần giải pháp căn cơ để chăn nuôi lợn phát triển bền vững

11:08 - Thứ Năm, 11/05/2017 Lượt xem: 9017 In bài viết
ĐBP - Giá lợn hơi xuống rất thấp, nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh đang lâm vào cảnh điêu đứng. Trong khi chờ các ngành chức năng đưa ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thì nhiều hộ nuôi lợn phải đối mặt rất nhiều khó khăn với những món nợ chưa nhìn thấy nguồn trả…

Theo báo cáo của ngành chuyên môn, hiện nay toàn tỉnh có gần 370.000 con lợn, trong đó số lượng lợn hơi đã đến tuổi xuất chuồng khoảng gần 100.000 con, sản lượng ước khoảng 3.800 tấn. Với số lượng đàn lợn lớn, nhưng lại khó tiêu thụ khiến người nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đang chịu thua lỗ nặng do lợn hơi rớt giá (hiện giá lợn hơi khoảng 25.000 - 28.000 đồng/kg). Với giá bán như vậy, người chăn nuôi có thể bị lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng/con trọng lượng 100kg. Anh Nguyễn Văn Doanh, bản Rạng Đông, xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo), chia sẻ: “Gia đình mình nuôi hơn 1.000 con lợn. Tuy nhiên chưa năm nào lợn hơi mất giá như năm nay. Hiện nay, mỗi con lợn 100kg bán đi lỗ ít nhất 1,5 triệu đồng. Dù xác định lỗ nặng nhưng vẫn phải bán, bởi đàn lợn đã quá thời gian xuất chuồng, càng nuôi càng lỗ. Song không phải cứ muốn bán là được”.

 

Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích người dân nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống, nhằm đa dạng hóa sản phẩm để dễ tiêu thụ.

Để tháo gỡ những khó khăn cho ngành chăn nuôi lợn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, vừa qua các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh xem xét giãn nợ, giảm lãi đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới đối với những gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay phát triển chăn nuôi và sản xuất. Cùng với chính sách giãn nợ của một số ngân hàng, các đại lý thức ăn chăn nuôi lợn cũng đang có cơ chế giúp người chăn nuôi trong lúc khó khăn. Trong chi phí đầu vào đối với nuôi lợn, thức ăn chiếm 70%, vì vậy việc giảm giá thành thức ăn là rất quan trọng, giúp người chăn nuôi phần nào giảm được tiền lỗ do giá lợn hơi quá thấp. Đây cũng là một trong những mong muốn, nguyện vọng của người chăn nuôi lợn trong thời điểm này.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của địa phương. Việc mở rộng quy mô đàn lợn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, nhất là quy mô đàn lợn nái; khuyến khích thay đổi cơ cấu giống, nhất là giống lợn cao sản để đa dạng hóa sản phẩm. Xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi lợn gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường xuất khẩu; giảm quy mô đàn lợn; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ...

Song đó chỉ là các biện pháp trước mắt nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi lợn. Còn biện pháp về lâu dài sẽ thay đổi phương thức chăn nuôi gắn với thay đổi cơ cấu giống lợn. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 của UBND tỉnh, những năm qua ngành chăn nuôi (gồm chăn nuôi lợn) tuyên truyền, vận động người dân từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hình thành các vùng, các khu chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, với tình hình giá lợn hơi xuống thấp như hiện nay thì ngành Nông nghiệp tỉnh định hướng chuyển đổi chăn nuôi giảm quy mô đàn, không chú trọng phát triển chăn nuôi công nghiệp mà cần tăng cường chăn nuôi theo dạng bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ. Bởi thế mạnh của loại hình chăn nuôi nông hộ truyền thống là tận dụng thức ăn sẵn, các phụ phẩm từ nông nghiệp có để giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tăng cường sản xuất giống tại chỗ sẽ giảm chi phí thay vì phải mua giống bên ngoài. Trong đó, chú trọng giống lợn địa phương. Bởi hiện nay trong khi giá lợn hơi (lợn siêu nạc) xuống rất thấp nhưng giống lợn địa phương (lợn cỏ) vẫn có giá cao, từ 70 - 80 nghìn đồng/kg.

Việc hỗ trợ, giải cứu người nuôi lợn là nhiệm vụ cấp bách của các cấp chính quyền và ngành chức năng để phần nào giúp người chăn nuôi qua được giai đoạn khó khăn; cần xây dựng các điểm bán thịt lợn bình ổn giá. Nghĩa là thu mua lợn hơi cho người dân với giá cao hơn giá thị trường và bán thịt rẻ hơn so với giá thị trường. Đồng thời, trong khi chờ đợi những giải pháp có tính “căn cơ” từ các ngành chức năng Trung ương và địa phương, người chăn nuôi phải tự biết “cứu” mình, giảm đàn, áp dụng các phương pháp chăn nuôi sinh học... để giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất. Về lâu dài, để phát triển bền vững, tránh tình trạng nguồn “cung” quá lớn dẫn đến giá thành thấp, các cơ quan chức năng phải quyết liệt tổ chức lại quy hoạch tổng thể chăn nuôi lợn. Chuỗi lưu thông sản phẩm lợn từ trang trại đến thị trường tiêu thụ phải tính toán lại thật căn cơ để giảm các tầng nấc trung gian, mới giảm được những “chi phí ảo” do thương lái đặt ra. Quan trọng hơn là nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về quy luật “cung - cầu”, cũng như sự cần thiết của chuỗi giá trị để hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khắc phục được tính tự phát, không ổn định.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top