Tuần Giáo tăng cường chống gian lận thương mại và hàng giả

08:34 - Thứ Hai, 15/05/2017 Lượt xem: 6494 In bài viết
ĐBP - Huyện Tuần Giáo hiện có 676 cơ sở kinh doanh; trong đó, 18 doanh nghiệp, 25 công ty, 7 chi nhánh, 20 hợp tác xã, 606 hộ kinh doanh. Quý I là thời điểm có tết nguyên đán, thị trường hàng hóa tương đối sôi động, việc vận chuyển, cung ứng và lưu thông hàng hóa diễn ra nhộn nhịp, với lượng lớn và phong phú về chủng loại. Tình trạng gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn tồn tại với các phương thức, thủ đoạn khác nhau.

Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là các hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết như: Rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, đồ gia dụng, điện tử... Nên ngay từ đầu năm, Đội Quản lý thị trường số 2, đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật của Nhà nước về các hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường phối hợp, quản lý địa bàn; kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, đồng thời, tổ chức cho các hộ sản xuất, kinh doanh, các công ty và doanh nghiệp đóng trên địa bàn ký cam kết không vi phạm pháp luật trong kinh doanh thương mại, không gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất bún của bà Đoàn Thị Thơm, khối Trường Xuân, thị trấn Tuần Giáo.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên ý thức phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả của các tổ chức, cá nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có ý thức chung tay bài trừ các hành vi gian lận thương mại để bảo vệ uy tín, thương hiệu và quyền lợi của mình. Nhiều hộ kinh doanh đã tự giác chấp hành pháp luật, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh khi tham gia thị trường. Do đó, tình trạng buôn hàng giả, hàng kém chất lượng đã giảm đáng kể, điển hình như: rượu, bia, nước giải khát, mì chính... Đặc biệt, mặt hàng pháo hoa nhập lậu đã giảm hẳn, góp phần ngăn ngừa tình trạng đốt pháo trên địa bàn. Người tiêu dùng trong huyện đã dần tạo cho mình thói quen mua sắm sản phẩm sản xuất trong nước; đặc biệt, người tiêu dùng đã chú ý hơn tới hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ cũng như uy tín, thương hiệu sản phẩm. Việc nói “không” với thực phẩm bẩn, những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại đã trở thành thông điệp của đông đảo người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thanh, khối Tân Giang, thị trấn Tuần Giáo, cho biết: Trước đây tôi không hay để ý tới chất lượng hàng hóa, cứ thấy rẻ là mua nhưng từ khi thấy các phương tiện truyền thông cảnh báo về hàng giả, hàng kém chất lượng tôi đã học cách phân biệt hàng hóa mỗi khi đi mua sắm nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Đội đã kiểm tra 71 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 38 vụ, chủ yếu là hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng số tiền phạt nộp vào ngân sách Nhà nước 27,4 triệu đồng, trị giá hàng tiêu hủy 276.000 đồng. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống gian lận thương mại và hàng giả; trong thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 2 tiếp tục phối hợp tăng cường công tác quản lý địa bàn, theo dõi tình hình cung - cầu, giá cả hàng hóa, tập trung vào các nhóm mặt hàng thiết yếu, các địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận thương mại và hàng giả...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top