Thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135/CP ở Tủa Chùa

09:19 - Thứ Tư, 17/05/2017 Lượt xem: 7923 In bài viết
ĐBP - Theo báo cáo của UBND huyện Tủa Chùa với các đoàn giám sát của HĐND tỉnh trong tháng 3 vừa qua, hàng năm UBND huyện đã ban hành các quyết định phân bổ, bổ sung kinh phí cho các đơn vị, UBND các xã tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, hỗ trợ đời sống, hỗ trợ sản xuất thuộc nguồn vốn Chương trình 135/CP trên địa bàn.

Cụ thể, trong 3 năm (2014 - 2016), huyện được phân bổ kinh phí thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất với tổng số tiền 10,304 tỷ đồng. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị chức năng của huyện phối hợp với chính quyền các xã đã tổ chức thực hiện 36 mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Các mô hình đã giúp người dân nâng cao hiểu biết kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi phát triển bền vững cho năng suất cao, ổn định. Cụ thể, năm 2014 thực hiện 14 mô hình khuyến nông điển hình tại 11 xã; hỗ trợ 210 bộ máy móc thiết bị cho 231 hộ dân của 11 xã và 1 bản thị trấn. Thực hiện mô hình trồng khoai tây tại 2 xã (Mường Đun, Mường Báng); 4 mô hình nuôi dê của 76 hộ tại 4 xã (Tủa Thàng, Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chải); 3 mô hình nuôi cá tại 3 xã (Mường Báng, Mường Đun, Xá Nhè); mô hình nuôi vịt ở xã Sính Phình, nuôi gà, ngan tại xã Huổi Só, Tả Phìn, Tả Sỉn Thàng... Năm 2015 huyện thực hiện 14 mô hình khuyến nông, hỗ trợ 468 bộ máy móc cho 544 hộ tại 11 xã và 1 bản thị trấn (bản Cáp). Năm 2016, thực hiện 8 mô hình khuyến nông tại 7 xã, hỗ trợ 193 bộ máy móc thiết bị cho 386 hộ tại 11 xã. Nhờ được hỗ trợ máy móc, công cụ phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch đã góp phần giảm bớt công lao động phổ thông.

 

Nhờ được hỗ trợ dê giống, tư vấn kỹ thuật nhiều hộ nghèo, cận nghèo bản Cáng Tỷ, xã Sín Chải có điều kiện phát triển chăn nuôi cải thiện thu nhập.

Ông Thào A Nhè, Bí thư Đảng ủy xã Sín Chải, cho biết: Nhờ được hỗ trợ giống, tư vấn kỹ thuật nên nông dân nhiều bản trong xã đã biết nuôi trâu, bò, dê tăng trưởng bền vững trở thành hàng hóa, cải thiện đời sống, thu nhập. Nông dân đã biết cắt cỏ cho gia súc ăn thêm lúc nuôi nhốt ở nhà, làm chuồng trại, có người trông nom, chăn dắt, phòng dịch bệnh. Đặc biệt khi gia súc đang thời kỳ sinh sản cho ăn thêm cám, ngô, muối bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho gia súc. Nhờ có máy móc thiết bị (máy xay xát, nghiền ngô, sắn, máy cày bừa đất sản xuất, máy thái rau lợn, máy tuốt lúa...) hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm thời gian, công sức lao động cải thiện chất lượng đời sống. Bản Cáng Tỷ có nhóm chăn nuôi sở thích gồm 14 hộ nuôi dê. Năm 2016 nuôi 115 con, nhờ được hỗ trợ một phần thuốc phòng dịch bệnh, tư vấn kỹ thuật, xây dựng quy ước chăn thả nên năm 2017 đàn dê tăng 31 con. Gia đình các ông: Mùa A Chinh, Cứ A Chang người dân trong bản từ chăn nuôi 2 con bò/hộ nay đã có 10 con bò/hộ, trị giá đàn gia súc trên 100 triệu đồng/hộ...

Tổ chức triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135/CP trên địa bàn huyện Tủa Chùa giúp hộ nghèo, cận nghèo được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, giúp người dân vùng đặc biệt khó khăn nâng cao nhận thức hiểu biết kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi có năng suất cao ổn định, cải thiện đời sống thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top