Kỳ vọng từ dự án nuôi bò luân chuyển

09:26 - Thứ Tư, 17/05/2017 Lượt xem: 8176 In bài viết
ĐBP - Năm 2015 từ dự án luân chuyển vốn hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 - 2017 của Chính phủ, huyện Mường Ảng có 2 xã Ẳng Nưa và Búng Lao được triển khai thí điểm mô hình dự án “Nuôi bò sinh kế”.

Ban đầu tham gia dự án có 12 hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ xóa nghèo thông qua việc cấp bò giống sinh sản. Qua hơn 2 năm triển khai, các hộ dân tham gia dự án đều chăm sóc bò tốt, vật nuôi thích ứng với điều kiện, môi trường sống và phương pháp chăn nuôi của người dân. Đó là cơ sở để huyện Mường Ảng nhân rộng mô hình đến 9 xã, với 90 hộ tham gia.

 

Chị Lường Thị Lún bản Na Háng, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng chăm sóc bò được cấp theo dự án nuôi bò luân chuyển.

Gia đình chị Lường Thị Lún là hộ nghèo của bản Na Háng, xã Ẳng Nưa. Cuối năm 2015 gia đình chị là một trong những hộ may mắn được chọn tham gia dự án và nhận bò giống theo dự án nuôi bò luân chuyển. Dẫn chúng tôi đến xem khu vực chăn nuôi của gia đình, chị Lún cho biết: Gia đình tôi rất phấn khởi, sau khi nhận bò giống, gia đình đã tổ chức làm chuồng nuôi theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như: rơm, lá ngô... làm thức ăn cho bò. Đến nay con bò giống được cấp đang chửa 6 tháng.

Ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Ẳng Nưa, cho biết: Mô hình nuôi bò luân chuyển được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác xóa nghèo bền vững ở địa phương. Bước đầu triển khai cho thấy dự án mang lại hiệu quả cao cho người dân so với những dự án triển khai trước đó. Bởi vì người dân được tham gia trong suốt quá trình xây dựng kế hoạch và thực hiện dự án, được trực tiếp lựa chọn bò giống, đáp ứng yêu cầu của người nuôi. Việc trực tiếp tham gia trong suốt quá trình thực hiện dự án góp phần nâng cao nhận thức, hạn chế tình trạng một bộ phận hộ nghèo còn tư tưởng ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Số vật nuôi này đã được các ngành chức năng kiểm dịch và kiểm định chất lượng giống. Với hình thức nuôi luân chuyển, khi bò mẹ sinh bê con, hộ nuôi bò mẹ phải chăm sóc bê con từ 8 tháng đến 1 năm rồi luân chuyển bê cho hộ khác nuôi; từ lứa thứ 2 trở đi, hộ được giao bò sẽ được giữ lại bê và bò mẹ. Thời gian tới dự án sẽ tiến hành triển khai trồng cỏ voi để làm thức ăn cho bò.

Trong quá trình triển khai, ban quản lý dự án cấp xã thường xuyên kiểm tra định kỳ 1 tháng/lần. Khi gia súc ốm, mất chủ hộ phải báo ngay cho chính quyền xã. Hộ chăn nuôi phải cam kết làm chuồng nuôi nhốt, chăn thả đảm bảo quy định, không để vật nuôi phá hoại hoa màu của nhân dân. Có thể nói, qua 2 năm triển khai dự án, thành công bước đầu là các hộ tham gia mô hình đã nâng cao ý thức chăn nuôi, như: Thực hiện làm chuồng trại chắc chắn, biết tận dụng phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch làm thức ăn, chăm sóc vật nuôi đúng kỹ thuật...

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top