Huyện Mường Nhé

Nâng cao chất lượng công tác khuyến nông

09:33 - Thứ Tư, 17/05/2017 Lượt xem: 8349 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, huyện Mường Nhé triển khai, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến ngư (KNKN). Đặc biệt là chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn hoặc trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ, năng lực, kỹ năng lao động, sản xuất của nông dân trên địa bàn.

Với xuất phát điểm thấp, 100% số xã đều thuộc diện đặc biệt khó khăn; kết cấu cơ sở hạ tầng kém phát triển, trình độ lao động và phương thức sản xuất của người dân lạc hậu (gần 100% lao động trên địa bàn chưa qua đào tạo); công cụ lao động thô sơ (chủ yếu là dùng dao, cuốc, gậy chọc lỗ tra hạt), chủ yếu là canh tác trên nương nên năng suất lao động đạt thấp. Không những thế, những năm qua, tình trạng dân di cư tự do tràn vào Mường Nhé với số lượng lớn là nguyên nhân phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch sản xuất, gây thiếu đất canh tác trầm trọng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tình hình khí hậu biến đổi theo hướng cực đoan, dẫn đến xu hướng tài nguyên nước dần cạn kiệt là nguyên nhân sản xuất của nhân dân các dân tộc kém hiệu quả.

 

Cán bộ Trạm KNKN huyện Mường Nhé hướng dẫn người dân bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé kỹ thuật khoan tay, tạo lỗ trồng keo tai tượng.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện Mường Nhé xác định một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao trình độ lao động, sản xuất cho người dân thông qua công tác KNKN. Từ đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau: Chương trình 135/CP; Nghị quyết 30a/CP; xây dựng nông thôn mới; sự nghiệp KNKN... bình quân mỗi năm huyện Mường Nhé được đầu tư từ 2 - 2,5 tỷ đồng thực hiện công tác KNKN. Các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư các chương trình, dự án KNKN chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức 15 - 20 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn lượt nông dân. Nội dung các buổi tập huấn chủ yếu xoay quanh việc cung cấp cho nông dân những kỹ năng cần thiết về sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới như: cơ giới hóa quá trình lao động, sản xuất; các quy trình, kỹ thuật cơ bản về canh tác lúa nước; canh tác ngô, đậu tương; nắm bắt thông tin thị trường; cách nhận biết và xử lý tình huống trong chăn nuôi, trồng trọt. Song song với mở các lớp tập huấn, mỗi năm các cơ quan chuyên môn huyện cấp hàng nghìn bộ tài liệu kỹ thuật, tờ rơi hướng dẫn kỹ năng canh tác, chăn nuôi đến các hộ dân trên địa bàn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm KNKN huyện nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất. Bình quân mỗi năm, huyện triển khai từ 5 - 8 mô hình trình diễn như: mô hình thâm canh lúa nước, mô hình khoai tây, mô hình thí điểm thâm canh cây thảo quả, mô hình trồng cây keo, mô hình chăn nuôi vịt bầu theo hướng an toàn sinh học, mô hình nuôi cá thả ao hệ VAC... Thông qua mô hình trình diễn thâm canh các giống lúa nước: IR64, HT I, Nếp 352, Bắc thơm số 7 (là những giống lúa thuần, có thời gian sinh trưởng trung bình, không yêu cầu cao về chăm sóc, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, năng suất trung bình đạt từ 55 - 65 tạ/ha, cao gấp 3 - 4 lần lúa nương) đã thực sự làm thay đổi tư duy sản xuất manh mún, sản xuất trên nương, canh tác không chăm bón, trông chờ vào thiên nhiên là chính của người dân. Ngoài lúa nước, công tác KNKN trên địa bàn huyện Mường Nhé còn chú trọng hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc ngô lai, đậu tương, khoai tây... Cán bộ KNKN thường xuyên bám cơ sở trực tiếp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách làm đất, xuống giống, quy trình chăm sóc cũng như thời điểm bón phân, phòng chống sâu bệnh. Đến nay, các giống ngô lai: VN 10, DK 8888... phù hợp với điều kiện địa phương đã được đưa vào canh tác đại trà trên địa bàn huyện, cho năng suất tăng từ 25 - 30 tạ/ha so với các giống ngô địa phương.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top