Làm vườn tại gia, gắn kết mọi nhà

16:12 - Thứ Ba, 23/05/2017 Lượt xem: 8183 In bài viết
ĐBP - Trước thực trạng đất chật người đông và những lo ngại về rau không an toàn bày bán trên thị trường, nhiều hộ gia đình ở TP. Điện Biên Phủ đã tận dụng những không gian nhỏ, hoặc ô đất trống gần nhà, thậm chí trên sân thượng để tạo vườn rau, vườn hoa vừa bảo đảm chất lượng cuộc sống, an toàn vệ sinh thực phẩm và làm đẹp cảnh quan cho ngôi nhà.

Với mảnh đất 100m2 do chủ nhân chưa sử dụng đến, bà Lê Thị Quy, trú tại tổ 18, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ đã mượn để trồng rau; với diện tích đó, bà “quy hoạch” theo từng khu rất rõ ràng: Góc trồng chuối, chỗ đất cằn sỏi đá thì bà đào hố trồng mướp, bí xanh, còn lại là các luống rau dền, mùng tơi, ớt và các loại rau thơm… Nhìn vườn rau xanh mướt, mùa nào rau ấy của gia đình bà Quy, ai qua lại cũng phải xuýt xoa…

 

Bà Lê Thị Quy chăm sóc vườn rau.

Bên góc vườn nhỏ với đủ các loại rau xanh, bà Quy vui vẻ cho biết: Hai vợ chồng bà đã nghỉ hưu, ở nhà cũng chẳng làm gì; các con, cháu đã lớn, đi học hết nên hai vợ chồng già mượn mảnh đất bên cạnh để trồng rau phục vụ gia đình, vì mua rau ngoài chợ vừa ăn vừa lo không an toàn. Không những thế, chăm chút vườn rau hàng ngày là niềm vui, vận động nhẹ nhàng, lại có đủ rau sạch để ăn. Từ khi tăng gia mảnh vườn, gia đình không phải mua rau ngoài chợ nữa, tiết kiệm mỗi tháng cũng được vài trăm nghìn đồng; thậm chí còn có rau biếu những gia đình xung quanh, tình làng nghĩa xóm thêm thân thiện. Bà Quy tiết lộ bí quyết ủ phân xanh để bón cây, dùng nước vo gạo làm nước “tăng lực” cho cây lớn nhanh và bắt sâu bọ hàng ngày chứ không bón, phun hóa chất…

Khác gia đình bà Quy, anh Nguyễn Văn Dũng, phố 13, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên Phủ, sử dụng toàn bộ sân thượng tầng 3 nhà mình để cải tạo thành một khu vườn trên cao. Với đủ các loại rau: thì là, lá lốt, cây chanh, cà chua, dưa chuột… và trên lan can là những chậu hoa với đủ sắc màu. Nhìn mảnh vườn trên cao của gia đình anh Dũng không khác gì một công viên thu nhỏ. Anh Dũng tâm sự: “Bây giờ ăn cái gì, mua gì ngoài thị trường cũng mang tâm lý bất an nên đành tự cải thiện được tí nào hay tí ấy. Hai vợ chồng đều là công chức Nhà nước, cứ hết giờ làm là về nhà trồng rau, thay cho tập thể dục luôn. Vợ chồng anh huy động hai cậu con trai nhỏ cùng hỗ trợ vận chuyển đất vào thùng xốp, khay nhựa để trồng, chăm sóc, tưới cây mỗi chiều đi học về; vừa rèn cho các con thói quen làm việc nhà, vừa để con không “miệt mài” với ti vi, điện thoại, chơi game... Qua đó, các cháu thấy được kết quả, giá trị sức lao động để biết trân quý tình cảm gia đình”.

“Duyên kỳ ngộ”, những gia đình có cùng sở thích trồng rau tại gia họ gặp nhau một cách ngẫu nhiên. Để thuận tiện trong việc trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ hạt giống, anh Dũng đã thành lập “Câu lạc bộ trồng rau tại nhà”, do chính anh làm Chủ tịch. Hiện tại, câu lạc bộ của anh Dũng đã lên tới gần 20 gia đình.

 

Chị Nguyễn Thị Hương giới thiệu vườn phong lan của gia đình.

Trong khi một số gia đình trồng rau để cải thiện bữa ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì gia đình chị Nguyễn Thị Hương, tổ 9, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ lại sử dụng toàn bộ không gian trống bên trái và hiên nhà mình để trồng hoa phong lan. Những giò phong lan các loại được treo trên giàn và bố trí rất đẹp mắt. Chị Hương cho biết: Giống như “Câu lạc bộ trồng rau tại nhà”, những người trồng phong lan cũng thành lập “Câu lạc bộ những người yêu lan”. Hiện nay, câu lạc bộ này đã có 15 thành viên. Để thuận lợi việc trao đổi họ đã lập một facebook chung thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và “khoe” những giò hoa đẹp cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Có thể thấy, phong trào trồng rau hay trồng hoa tại gia có muôn hình vạn trạng, nhưng mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng cuộc sống, gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng, làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp và ý nghĩa hơn.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top