“Loay hoay” bài toán giảm nghèo

10:37 - Thứ Năm, 25/05/2017 Lượt xem: 7104 In bài viết
ĐBP - Dự án Di dân tái định cư (TĐC) Thủy điện Sơn La được triển khai trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2008. Cùng với nhiều địa phương khác, cuộc sống của người dân vùng TĐC bản Huổi Lóng, xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, nhiều năm qua người dân nơi đây vẫn “loay hoay” với bài toán giảm nghèo.

Bản Huổi Lóng nằm cách trung tâm huyện Tủa Chùa khoảng 65km. Đây là một trong những bản xa xôi, đồng thời khó khăn nhất của huyện, tập trung phần lớn đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Bản có 98 hộ, với 558 nhân khẩu, trong đó có 84 hộ được bố trí sắp xếp theo Dự án Di dân TĐC Thủy điện Sơn La. Đến nơi ở mới, các hộ dân được hỗ trợ làm nhà, hệ thống điện thắp sáng, trường học, đường cấp phối đi lại trong bản… Sau nhiều năm ổn định cuộc sống, người dân nơi đây vẫn chủ yếu sinh sống dựa vào làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm nên đời sống còn hết sức khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

 

Từ khi chuyển đến nơi ở mới, gia đình ông Phàn Quang Châu vẫn sống dựa vào canh tác lúa nương, nhưng vì thiếu đất nên thóc lúa làm ra không đủ ăn cho cả năm.

Nhớ lại thời điểm cách đây gần 10 năm, khi thực hiện tái định cư cùng nhiều hộ dân trong bản, ông Phàn Quang Châu, chia sẻ: “Cuộc sống của gia đình tôi cũng như các hộ khác trong bản đã có nhiều thay đổi kể từ khi đến bản mới, so với trước kia thì nay các điều kiện về nơi ăn, chốn ở đã tốt hơn rất nhiều. Nhưng vì thiếu đất sản xuất nên gia đình tôi vẫn khó khăn. Trước đây nhà tôi có đến vài héc ta nương, mỗi vụ làm hơn trăm bao thóc nên cả năm không lo đói. Di vén lên đây đất canh tác bị co hẹp, nhà gần chục miệng ăn mà chỉ trông chờ vào chút nương và mảnh ruộng nhỏ thì không thể đủ”. Về những khó khăn này, Trưởng bản Huổi Lóng Tẩn A Cỏn cũng chia sẻ: Bản hiện còn 74 hộ nghèo, phấn lớn nguyên nhân là do thiếu đất để canh tác, trồng trọt; có khoảng 5 – 6 hộ trong số đó thiếu đói bình quân 2 tháng/năm. 

Xác định việc ổn định cuộc sống và hỗ trợ người dân khu vực TĐC phát triển sản xuất là quan trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vừ A Hùng khẳng định: “Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đầu tư các nguồn lực hoàn thiện hệ thống thủy lợi tưới tiêu để người dân yên tâm sản xuất”. Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, vẫn còn một số khó khăn ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân như: Đường giao thông đã bắt đầu xuống cấp; trạm y tế xã quá xa các bản, khiến người dân đi lại khám, chữa bệnh vất vả. Đặc biệt, việc thiếu đất sản xuất khiến cho nhiều hộ không thể thoát nghèo. 

Thiếu đất sản xuất không phải vấn đề riêng ở Huổi Lóng, mà đây vốn là bài toán chung của các vùng TĐC. Tuy nhiên, đó chưa hẳn là yếu tố quyết định công tác xóa đói giảm nghèo. Bởi lẽ, ở Huổi Lóng, các điều kiện để chuyển đổi ngành nghề đều thuận lợi, nhất là lợi thế và tiềm năng lớn về khai thác lòng hồ thủy điện, song dường như lại đang bị “bỏ ngỏ”. Chính người dân cũng thừa nhận, hàng ngày thuyền bè của thương lái các vùng lân cận thường xuyên qua lại, nông sản được thu mua tận nơi chứ không phải mang đi xa mới bán được. Nhưng nghịch lý ở chỗ “không có nhiều thứ để bán”. Mặc dù có bến thuyền, song thương lái qua đây chỉ thu mua được số lượng ít tôm cá do người dân tranh thủ đánh bắt những lúc nông nhàn để cải thiện cuộc sống, chứ chưa hình thành được chợ thủy sản, hay các sản phẩm nông sản, hàng hóa khác.

 

Những ngôi nhà TĐC bản Huổi Lóng vững chãi nằm quần cư ven lòng hồ.

Thống kê hiện nay Huổi Lóng có 28 hộ đang vay vốn của Ngân hàng Chính sách, thông qua Hội Nông dân. Trung bình mỗi hộ vay từ 15 – 30 triệu đồng và chủ yếu vẫn tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhưng vì diện tích đất hẹp, nguồn thức ăn không dồi dào, kiến thức về phòng chống dịch bệnh lại hạn chế nên vật nuôi chậm phát triển, thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Trong khi đó, mặc dù diện tích mặt hồ lớn nhưng cho đến nay chưa có cá nhân, tổ chức nào mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi trồng thủy sản.

Đề cập đến các giải pháp giải quyết những khó khăn nêu trên, ông Vừ A Hùng cho biết: “Huyện đã kiến nghị các sở, ban, ngành của tỉnh, Trung ương tiếp tục đầu tư, đồng bộ cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm cho các bản TĐC, sửa chữa một số công trình hư hỏng, xuống cấp, tạo vốn và cơ chế để hỗ trợ người dân. Các cơ quan chuyên môn của huyện, đặc biệt Trung tâm Dạy nghề tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để từng bước tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp để bà con được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong đó, chúng tôi cũng đã nghiên cứu đến việc định hướng, khuyến khích người dân khai thác hiệu quả mặt nước lòng hồ để nuôi cá lồng, bè; đồng thời thúc đẩy lợi thế bến thuyền để đẩy mạnh giao thương giữa người dân Huổi Lóng và các khu vực lân cận”.

Tuy nhiên, trên thực tế có vẻ như đây là hướng đi mới nên người dân còn dè dặt và chưa hưởng ứng nhiệt tình. Bởi vậy, cùng với sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, sự định hướng rõ ràng và thiết thực của các cơ quan chuyên môn thì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân chủ động hơn nữa có lẽ cũng là yếu tố quan trọng trong giải quyết bài toán chuyển đổi ngành nghề, thông qua đó xóa đói giảm nghèo ở Huổi Lóng.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top