Ngành nông nghiệp tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu

08:56 - Thứ Năm, 01/06/2017 Lượt xem: 7411 In bài viết
ĐBP - Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, 5 năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Rét đậm, rét hại, mưa lớn, lốc xoáy, lũ lụt, sạt lở đất... xảy ra nhiều hơn gây thiệt hại lớn về người, tài sản của nhà nước, nhân dân, các công trình giao thông..

Giai đoạn từ năm 2012 - 2016, toàn tỉnh có 5.601ha ruộng lúa bị sạt lở, bồi lấp, rửa trôi; 302ha ruộng lúa mất trắng vì ngập lụt; 1.256ha ruộng lúa bị thiệt hại trên 70%; 287ha lúa nương bị sạt lở; 170ha ngô mất trắng; 410ha rau màu ngập úng; 142ha cà phê bị bồi lấp; 12.366 cây cao su đổ, gãy; 500ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; 4.100 con gia súc bị chết do thiên tai... cùng hàng trăm công trình thủy lợi và hàng trăm kilômet kênh mương bị cuốn trôi, vùi lấp, tổng thiệt hại ước tính 1.333 tỷ đồng. BĐKH cũng làm tăng khả năng phát triển sâu bệnh, dịch hại, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng trong sản xuất, tăng nguy cơ rủi ro đối với nông nghiệp, đặc biệt là các khu vực phát triển trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh, như: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo.

 

Người dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap.

Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những năm qua, để ứng phó và hạn chế thiệt hại do BĐKH gây ra, trước tiên, ngành Nông nghiệp tỉnh chú trọng làm tốt công tác dự báo ngày, tháng và dự báo mùa vụ về: Khí tượng, thủy văn và dự báo sâu, dịch bệnh gây hại. Sau đó, dựa trên kết quả dự báo, ngành xây dựng lịch thời vụ và kế hoạch bảo vệ mùa vụ, ra các văn bản chỉ đạo sản xuất cho các địa phương thực hiện. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ đặc điểm tình hình địa phương để triển khai sản xuất đảm bảo đúng thời vụ, cơ cấu giống và tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, nhất là chuẩn bị các phương án dự phòng để hỗ trợ người dân khi thiên tai xảy ra. Trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016 khiến hàng nghìn héc ta lúa đông xuân chết rét trên phạm vi toàn tỉnh. Song nhờ chủ động nguồn giống dự phòng, các địa phương đã hỗ trợ kịp thời cho người dân để gieo cấy lại, khắc phục thiệt hại. Nhờ đó, vụ đông xuân 2015 - 2016, năng suất, sản lượng lúa vẫn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Những năm gần đây, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, chính sách để hỗ trợ người dân ứng phó với BĐKH. Điển hình như, Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND, ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh về ban hành quy định mức hỗ trợ chi phí giống ngô để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô trên địa bàn tỉnh. Cơ quan bảo vệ thực vật cũng thường xuyên thử nghiệm các giống lúa mới (bình quân 5 giống mới/vụ) để tìm ra giống lúa có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu, dịch bệnh tốt và phù hợp với điều kiện địa phương để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Trong kỹ thuật sản xuất, ngành đã ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap... để ứng phó với BĐKH.

Cùng với việc tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề tổ chức sản xuất ứng phó với BĐKH cũng đã được ngành nông nghiệp tính đến. Đó là tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bước đầu hình thành các mô hình liên kết sản xuất, từng bước xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... Đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đất lúa 1 vụ sang trồng ngô, rau màu; quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn theo hướng VietGap tại huyện Điện Biên (chiếm 80% trong tổng số trên 4.100ha đất trồng rau toàn tỉnh). Nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho người dân tại các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Đồng thời nghiên cứu, nuôi thử nghiệm các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như: Cá tầm, cá hồi nuôi theo phương pháp lồng bè tại huyện Điện Biên và Tuần Giáo.

Một trong những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH được tỉnh và ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đó là tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp. Trong đó tập trung vào việc tăng cường trồng rừng, nâng cao độ che phủ rừng và chất lượng rừng; khuyến khích phát triển, tái sinh rừng tự nhiên, thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top