Bài học từ vụ đông xuân 2017

Không thể bỏ qua quy trình kỹ thuật

09:05 - Thứ Sáu, 02/06/2017 Lượt xem: 7085 In bài viết
ĐBP - Vụ đông xuân năm 2016 - 2017, toàn tỉnh gieo cấy 9.076ha lúa; đến nay, các huyện, thị, thành phố đã cơ bản hoàn thành thu hoạch, chuẩn bị triển khai sản xuất vụ mùa. Vụ đông xuân năm nay tại một số địa bàn vẫn còn tình trạng người dân không tuân thủ lịch thời vụ, chạy theo thị hiếu thị trường nên không đảm bảo cơ cấu giống dẫn đến tình trạng “đầu vụ thuận lợi, cuối vụ khó khăn”, lúa bị sâu bệnh tấn công làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm.

Khu vực lòng chảo Điện Biên gieo cấy 3.620ha lúa đông xuân. Đầu vụ, cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi nhưng đến giai đoạn trổ bông, chuẩn bị thu hoạch thì bị nhiễm bệnh đạo ôn nặng, năng suất lúa đạt 63,31 tạ/ha, giảm 1,89 tạ/ha so với kế hoạch. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, toàn huyện có 730ha lúa bị nhiễm đạo ôn cổ bông, tập trung chủ yếu trên giống lúa Séng cù, gây mất mùa tại một số xã như: Thanh Chăn, Thanh An, Noong Hẹt...  Nguyên nhân được xác định, do người dân không tuân thủ cơ cấu giống trong bộ giống của huyện đề ra. Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Năm nay, toàn xã gieo cấy 260ha lúa, trong đó, giống lúa Séng cù chiếm trên 40% diện tích, chưa kể những diện tích nhân dân tự sản xuất. Giống lúa này bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng làm nhiều hộ mất trắng. Mặc dù từ đầu vụ, xã đã khuyến cáo, chỉ đạo quyết liệt để người dân tuân thủ cơ cấu giống nhưng từ vụ mùa năm 2016, giống Séng cù được mùa, được giá nên năm nay người dân đổ xô gieo cấy loại giống này. Công tác quản lý giống trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện nay người dân thường chạy theo thị hiếu thị trường, lợi nhuận mà bỏ qua các quy trình, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên dễ xảy ra thiệt hại trong sản xuất.

 

Nông dân huyện Điện Biên thu hoạch lúa đông xuân.

Ông Lù Văn Phong, đội 2, xã Thanh Chăn gieo cấy 1.200m2 giống lúa Séng cù thì 100% diện tích lúa đều bị nhiễm đạo ôn cổ bông. Ông Phong cho biết: Năm 2016, trồng thử nghiệm giống Séng cù “được mùa, được giá” nên năm nay tôi quyết định gieo cấy hết diện tích bằng giống lúa này. Thời kỳ đẻ nhánh cây lúa sinh trưởng, phát triển bình thường, không có sâu bệnh nhưng sau khi trổ bông khoảng 1 tuần lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông nặng và trên diện rộng khiến tôi trở tay không kịp. Vụ đông xuân năm nay coi như mất trắng. Hiện tại, gia đình tôi đang chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Vụ này, tôi sẽ tuân thủ cơ cấu giống và sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ khuyến nông xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khuyến cáo để đảm bảo vụ lúa an toàn.

Không chỉ huyện Điện Biên, việc người dân tự ý gieo cấy các giống lúa không có trong cơ cấu giống còn xảy ra phổ biến tại các địa bàn khác như: Giống Séng cù chiếm 15,6% tổng diện tích gieo cấy của TP. Điện Biên Phủ; giống BC15 chiếm 59,6% diện tích ở thị xã Mường Lay, 23,6% diện tích ở huyện Mường Chà. Kết thúc vụ đông xuân, năng suất lúa tại các địa phương này đều giảm. Điển hình như thị xã Mường Lay, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân có năng suất dự kiến khoảng 60 tạ/ha. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, người dân tự phá vỡ cơ cấu giống, lúa nhiễm bệnh, mất mùa, năng suất thực tế đạt 48 tạ/ha, giảm 12 tạ/ha. Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho biết: Giống lúa BC15 được người dân trồng thử nghiệm từ 2, 3 năm nay, nhất là khu vực đất bán ngập. Qua trồng thử nghiệm nhận thấy cây lúa khỏe, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất đạt khá và dễ bán nên năm nay phần lớn người dân đều tự ý gieo cấy loại giống này. Việc áp yêu cầu người dân phải gieo cấy theo đúng cơ cấu giống rất khó khăn. Khi tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thì người dân đồng ý với chủ trương, kế hoạch sản xuất và lịch thời vụ, đến khi triển khai thực hiện thì làm ngược lại.

Trao đổi về công tác sản xuất vụ đông xuân năm 2016 - 2017, ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt, (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Qua kiểm tra thực tế, tình trạng các huyện, thị xã, thành phố chưa chặt chẽ trong quản lý, để người dân tự ý gieo cấy các giống lúa không có trong cơ cấu giống, dẫn đến nhiễm bệnh hại, giảm năng suất. Trong quy trình sản xuất chung của tỉnh đã phân rõ trách nhiệm cấp sở, huyện, xã trong công tác chỉ đạo, định hướng người dân sản xuất. Trong một mùa vụ, Phòng Trồng trọt phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ thực vật thanh tra, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý giống nông nghiệp, quản lý thuốc bảo vệ thực vật song không thể bao quát hết. Trách nhiệm chính trong việc này thuộc về chính quyền địa phương. Vài năm trước, nông dân huyện Mường Ảng trồng rất nhiều loại giống không có trong cơ cấu giống, nhất là giống lúa địa phương và giống bao thai, dẫn đến năng suất thấp. Tuy nhiên, 2 - 3 năm gần đây, chính quyền huyện, xã vào cuộc quyết liệt, quản lý chặt giống nông nghiệp trên địa bàn, đến nay, các loại giống này đã bị loại bỏ hoàn toàn, người dân tuân thủ cơ cấu giống của huyện nên năng suất, sản lượng ổn định. Ngoài vấn đề giống, vụ đông xuân năm nay còn 1 hạn chế nữa là một số địa phương để cho người dân gieo cấy sớm, không theo lịch thời vụ chung của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Toàn tỉnh có 755,85ha trà lúa cực sớm, chiếm 8,32% tổng diện tích gieo cấy. Trong đó: Tuần Giáo 330,5ha; Điện Biên 304,7ha; Mường Chà 81,1ha; Mường Nhé 18,4ha và TP. Điện Biên Phủ 21,1ha. Trà cực sớm trỗ bông, phơi màu vào thời điểm nắng nóng dẫn đến hiện tượng bớt đầu bông, tỷ lệ lép hạt cao, năng suất lúa giảm. Hiện nay, Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng xong kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2017. Để vụ mùa thắng lợi, Phòng đã tham mưu với Sở chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố rút kinh nghiệm vụ động xuân, kiên quyết thực hiện nghiêm cơ cấu giống và tuân thủ lịch thời vụ trong sản xuất.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top