Nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi

09:24 - Thứ Sáu, 02/06/2017 Lượt xem: 5523 In bài viết
ĐBP - Vụ lúa chiêm xuân kết thúc cũng là thời điểm hàng nghìn con vịt được người nuôi thả ra đồng để tận dụng nguồn thức ăn là thóc rơi vãi. Hiện nay, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên là một trong những xã có số lượng đàn thủy cầm nhiều nhất vùng lòng chảo.

Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND xã Thanh Yên, toàn xã có gần 130.000 con gia cầm, trong đó phần lớn là vịt thương phẩm. Trong đó có trên 200 hộ nuôi gia cầm với số lượng lớn từ 3.000 - 7.000 con, tập trung ở các thôn, bản: Noong Vai 1, 2; Tiến Thanh, Thanh Trường, Pa Páy và đội 4 A, B. Những năm qua, xác định nuôi thủy cầm thương phẩm và nuôi thủy cầm lấy trứng là thế mạnh, do đó các hộ chăn nuôi ở Thanh Yên đều chủ động nguồn con giống chất lượng cao và phòng chống dịch bệnh.

 

Người dân đội 2, xã Thanh Yên chăn thả vịt.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, chủ hộ nuôi thủy cầm ở đội 4B cho biết: Gia đình tôi đã gắn bó hàng chục năm với nghề nuôi ấp trứng và vịt thương phẩm. Để vịt không nhiễm bệnh, việc lựa chọn con giống là khâu hết sức quan trọng. Những năm qua, gia đình tôi thường xuyên về các tỉnh miền xuôi đặt giống tại các lò ấp có uy tín. Hiện giống vịt được người nuôi ưa chuộng là giống Grimaud (Pháp), có sức đề kháng tốt, nuôi nhanh lớn và lượng thịt nạc cao, được thị trường ưa chuộng. Cùng với việc lựa chọn con giống, khâu vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, thoáng đãng sẽ hạn chế nơi trú ngụ của các loại mầm bệnh. Khi vịt mới nở, thường cho ăn cám tổng hợp để con giống đủ dinh dưỡng phát triển tốt. Trong giai đoạn này, người chăn nuôi cũng phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin để tránh các bệnh thường gặp trên đàn thủy cầm. Tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi một cách nghiêm ngặt, do đó nhiều năm trở lại đây gia đình bà Nhàn không xảy ra dịch bệnh trên đàn thủy cầm.

Anh Lò Văn Ánh, cán bộ thú y xã Thanh Yên cho biết: Hiện đang là thời gian cao điểm các hộ chăn nuôi thả vịt ngoài đồng, để tận dụng nguồn thức ăn rơi vãi sau vụ gặt, giảm chi phí từ thức ăn công nghiệp, bên cạnh đó chất lượng thịt vịt thương phẩm sẽ chắc, thơm và được thị trường ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, khi thả đồng nếu xảy ra dịch bệnh trên đàn thủy cầm thì tốc độ dịch lây lan rất nhanh. Do đó, UBND xã khuyến cáo người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng bệnh; mua con giống đảm bảo; phun phòng tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin phòng bệnh... Những hộ chăn nuôi quy mô hình lớn, là những hộ đã làm nghề lâu năm, có kinh nghiệm trong lựa chọn con giống, thực hiện nghiêm ngặt vệ sinh chuồng trại, do đó phần nào giảm thiểu thiệt hại trong chăn nuôi. Còn với nhiều hộ nuôi ít, ít kinh nghiệm trong chọn mua giống, phòng, trị bệnh nên vật nuôi thường mắc bệnh cục bộ, như: cúm, tiêu chảy trên đàn gia cầm, thủy cầm. Nếu không quản lý tốt, dập dịch kịp thời sẽ lây lan dịch. Do đó, cùng việc triển khai đầy đủ tiêm vắc xin phòng bệnh trên đàn gia cầm, thủy cầm, chính quyền xã Thanh Yên thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện triển khai các lớp tập huấn phòng chống dịch bệnh cho gia cầm, cách nhận biết, phát hiện dịch bệnh thông thường để người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top