Thay đổi thói quen canh tác lúa nước cho người dân vùng cao

09:25 - Thứ Sáu, 02/06/2017 Lượt xem: 7460 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, không chỉ diện tích lúa nước liên tục tăng mà kỹ thuật canh tác lúa ruộng của nông dân cũng dần được nâng cao nhờ các mô hình, lớp tập huấn triển khai tại địa bàn, góp phần quyết định cho những mùa vụ thành công.

 

Người dân bản Pá Vạt 3 thăm đồng.

Năm 2016, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cùng Trạm Bảo vệ thực vật huyện triển khai 2 mô hình nâng cao kỹ thuật thâm canh lúa tại khu vực Pá Vạt (xã Mường Luân) và bản Háng Lìa A, B (xã Háng Lìa). 2 mô hình đều về sản xuất lúa nước nhưng mục đích đặt ra khác nhau. Đối với Pá Vạt, do người dân có thói quen gieo cấy vụ chiêm kéo dài, dẫn đến lịch thời vụ muộn vài tháng so với các khu vực khác nên mô hình có nhiệm vụ chính là đẩy nhanh tiến độ mùa vụ. Như những năm trước, qua tết âm lịch, người dân Pá Vạt mới chuẩn bị làm đất, xuống giống vụ mới. Người dân không gieo cấy đồng loạt mà kéo dài trong vài tuần vì vậy lúa sinh trưởng, phát triển không đồng đều, thời vụ không cố định, dẫn đến khó phòng trừ sâu bệnh, năng suất lúa không cao. Vụ chiêm 2016, từ nguồn kinh phí của huyện, Trạm Bảo vệ thực vật huyện trực tiếp hướng dẫn người dân gieo cấy đúng lịch thời vụ. Đồng thời hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc lúa, sử dụng phân bón lót, bón thúc, thường xuyên kiểm tra đồng, kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh. Kết quả vụ đầu, người dân không chỉ giảm công sức trong việc chăm sóc, bảo vệ lúa nhờ trồng đồng loạt và đúng thời vụ mà năng suất lúa tăng cao hơn từ 40 - 45 tạ/ha lên 60 - 70 tạ/ha. Anh Lò Văn Anh, Trưởng bản Pá Vạt 2, cho biết: Khu vực cánh đồng này rộng gần 8ha, thuộc 3 bản Pá Vạt 1, 2, 3. Trước kia khi chưa triển khai mô hình thâm canh lúa đẩy nhanh tiến độ gieo cấy thì chúng tôi trồng lúa vất vả mà năng suất không cao. Nhờ có mô hình, bà con thấy được lợi ích của lịch thời vụ, mùa thu hoạch cũng không phải vất vả trông coi, lo trâu bò phá hoại. Năm nay, ghi nhớ những kiến thức canh tác, trồng trọt từ mùa vụ trước, người dân 3 bản đã tuân thủ thời gian gieo cấy phù hợp với thời tiết, đặc điểm của địa phương, không kéo dài như trước, qua tết, bà con đồng loạt ra đồng, xuống giống. Hiện lúa chuẩn bị vào thời kỳ đứng cái làm đòng. Bà Lò Thị Nhượng, bản Pá Vạt 2 cũng cho biết: Gia đình tôi có gần 2.000m2 ruộng tại khu vực này. Nhờ tuân thủ hướng dẫn của cán bộ mà năng suất lúa tăng cao. Trước 1 vụ chỉ thu hoạch được khoảng 20 bao thóc, đến năm vừa rồi thu được 25 - 30 bao/vụ, giúp đảm bảo lương thực cho gia đình.

Tại khu vực xã Háng Lìa, mô hình thâm canh lúa nước nhằm nâng cao năng suất. Cánh đồng Háng Lìa có diện tích lớn (13,5ha), nhưng do người dân chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác nên năng suất lúa chỉ đạt 38 - 40 tạ/ha. Khi thực hiện mô hình, giống lúa được sử dụng chủ yếu là Nhị ưu 838, cán bộ nông nghiệp huyện thường xuyên bám sát địa bàn, hướng dẫn chi tiết, cầm tay chỉ việc cho người dân từng quy trình trồng, chăm sóc, điều tiết nước cho lúa. Đồng thời mô hình hỗ trợ người dân phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cán bộ chỉ dẫn bà con cách sử dụng và tận dụng chất thải chăn nuôi của gia đình để chăm bón cho ruộng lúa. Nhờ vậy năng suất lúa trên cánh đồng Háng Lìa tăng lên 65 - 70 tạ/ha.

Toàn huyện Điện Biên Đông có gần 2.400ha ruộng lúa, trong đó lúa 2 vụ gần 700ha. Ngoài các mô hình trực tiếp hướng dẫn người dân thâm canh lúa nước, hàng năm trên địa bàn huyện Điện Biên Đông còn có nhiều lớp tập huấn bảo vệ, kiểm dịch thực vật, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng... Ông Mai Xuân Chi, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Nhờ các mô hình, lớp tập huấn, người dân đã có nhận thức cao hơn về canh tác lúa ruộng, nhìn nhận đúng về giống mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quan tâm chăm bón lúa trong thời kỳ sinh trưởng, nhờ vậy sản lượng, năng suất lúa đều tăng, đảm bảo an ninh lương lực. Từ đó, bà con có thêm động lực mạnh dạn tự bỏ vốn đầu tư khai hoang ruộng bậc thang, chuyển từ lúa nương sang làm ruộng nước, góp phần giảm tình trạng phá rừng làm nương, giảm nguy cơ cháy rừng trên địa bàn.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top