Ứng dụng khoa học công nghệ tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

08:54 - Thứ Hai, 05/06/2017 Lượt xem: 7663 In bài viết
ĐBP - Ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tiến tới giải pháp công nghệ cao bước đầu đã mang lại kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta, cung cấp những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập và thay đổi tư duy sản xuất của người dân.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Điện Biên chăm sóc vườn rau an toàn.

Năm 2016, ông Nguyễn Phú Đỏ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Điện Biên quyết định đầu tư xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyên sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường. Trên diện tích 3,4ha trồng cà phê không hiệu quả, ông Đỏ cải tạo, quy hoạch xây dựng thành 2 khu vực: trồng rau an toàn và chăn nuôi lợn sạch. Khu vực trồng rau an toàn xây dựng theo hướng kết hợp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ với nhà kính và hệ thống tưới giàn hiện đại. Hơn 20 loại rau, củ, quả được quy hoạch, phân lô riêng biệt và sản xuất đúng theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch.  Các sản phẩm không sử dụng phân bón hóa học; hệ thống nhà kính và tưới giàn giúp cây trồng tránh được sự xâm nhập của các loại sâu, bệnh nên sản phẩm cung cấp ra thị trường đảm bảo an toàn, chất lượng. Khu vực chăn nuôi lợn thịt được thiết kế, xây dựng phù hợp để áp dụng công nghệ đệm sinh học. Các tấm đệm sinh học được xới xáo liên tục, ủ hoai mục vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa có phụ phẩm để phục vụ sản xuất rau an toàn. Thức ăn chăn nuôi chế biến hoàn toàn từ nông sản với công nghệ ủ, lên men và cho ăn trực tiếp. Với công nghệ này, vật nuôi hấp thụ trực tiếp, không có sự can thiệp, xử lý hóa học nên lợn tăng trưởng nhanh. Sau 2 năm hoạt động, đến nay, trang trại của ông Nguyễn Phú Đỏ cung cấp khoảng 300kg rau, củ, quả an toàn/ngày và 12 tấn lợn thịt/tháng ra thị trường. Ông Đỏ, cho biết: Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tuy tốn kém chi phí đầu tư ban đầu nhưng mô hình sẽ phát triển bền vững. Công ty hướng tới mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhưng nhìn chung sản phẩm sản xuất ra chưa có thị trường tiêu thụ nên khó phát triển. Do đó, sau khi đầu tư trang trại, tôi đầu tư xây dựng luôn một hệ thống siêu thị chuyên giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp an toàn do Công ty sản xuất. Đến nay, các sản phẩm của Công ty đã được người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Tuy nhiên, do vốn đầu tư lớn nên phải mất 2 - 3 năm nữa, Công ty mới có thể tự cân đối nguồn vốn, khi đó mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới trở thành một chuỗi khép kín, phát triển bền vững.

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như: Công ty TNHH giống Nông nghiệp Trường Hương; Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Điện Biên; Công ty TNHH Nông sản thực phẩm sinh thái Điện Biên tham gia đầu tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gạo thuộc vùng sản xuất cánh đồng Mường Thanh. Một số cơ sở sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn trên rau màu như: Công ty TNHH thực phẩm Safe Green; cơ sở Hoàng Thái Sơn với hình thức hợp đồng liên kết chuỗi với các hộ trồng rau.

Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Một trong số đó là Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm trong lồng, bè tại hồ Thủy lợi Pe Luông, xã Thanh Luông” được thực hiện bởi Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên). Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 4/2016 với quy mô 4.000 con cá giống nuôi tại 8 lồng, bè tại hồ Thủy lợi Pe Luông. Đến nay, trọng lượng cá đạt từ 3,5 - 4kg và đã xuất bán ra thị trường.

Theo số liệu thống kê, 5 năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện trên 100 dự án, mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; từ cấp tỉnh đến cơ sở đã tiến hành trên 20 nhóm khuyến nông với hàng trăm mô hình trình diễn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân. Ông Bạc Cầm Khuyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Chuyển giao nhanh những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, phù hợp cho người dân, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản để góp phần tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa luôn là vấn đề đặt ra cho những người làm công tác khoa học - kỹ thuật của tỉnh. Hàng năm, các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho công tác khoa học công nghệ thông qua các dự án khoa học, các mô hình trình diễn đến trực tiếp người dân. Đây được xác định là giải pháp quan trọng, hiệu quả để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, tạo sức bật cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top