Huyện Điện Biên bảo vệ thủy sản mùa mưa lũ

09:00 - Thứ Hai, 05/06/2017 Lượt xem: 6554 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, đầu tư nuôi thủy sản là một trong những lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp ở huyện Điện Biên. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ việc nuôi thủy sản gặp khó khăn do mực nước dâng cao, gây nguy cơ tràn bờ, thất thoát tôm, cá, chưa kể mưa lũ có thể làm vỡ bờ, cuốn trôi thủy sản. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi thất thường, môi trường sống bị biến động, mầm bệnh có cơ hội xâm nhập và lây lan ảnh hưởng đến năng suất, nếu không có biện pháp kịp thời khắc phục thì thiệt hại cho người nuôi thủy sản sẽ là rất lớn.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, năm 2015 ảnh hưởng của mưa bão khiến gần 17ha ao, hồ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện bị tràn bờ, làm thất thoát hàng chục tấn cá. Không dừng lại ở đó, khi nước rút, nhiều diện tích bị ô nhiễm, phát sinh dịch, bệnh khiến nhiều hộ gia đình gần như trắng tay. Trước mùa mưa 2017, rút kinh nghiệm từ những năm trước, nhiều hộ nuôi thủy sản đã chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sớm lên phương án bảo vệ diện tích nuôi thủy sản của gia đình.

 

Nông dân huyện Điện Biên kiểm tra chất lượng cá giống.

Gắn bó với nghề nuôi cá hơn 20 năm nay, trước mỗi mùa mưa lũ, ông Nguyễn Thế Nghi, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Pe Luông (xã Thanh Luông) luôn tuân thủ nghiêm túc việc triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn cho hơn 3ha ao nuôi với hàng chục tấn các loại. Ao nuôi cá đều được ông đóng cọc cẩn thận và rào lưới cao từ 1 - 1,5m để bảo vệ cá khi nước lũ tràn qua, các bờ ao đều được gia cố thêm 0,5m bằng bao cát để tránh tràn bờ.

Đối với gia đình ông Lò Văn Yên, một hộ nuôi cá ở xã Thanh Yên thì để tránh thiệt hại do mưa lũ, ông đều xuất bán cá trước mùa mưa. Ông Yên chia sẻ: Gia đình có trên 1ha ao nuôi cá, những năm gần đây thời tiết diễn biến bất thường, các ao nuôi cá của gia đình thuộc khu vực trũng nên để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tôi chủ yếu nuôi các loại cá có thời gian sinh trưởng ngắn như rô phi đơn tính, sau 5 - 6 tháng nuôi là có thể cho thu hoạch. Nhờ vậy, tôi có thể căn thời gian từ khi thả cá giống đến lúc thu hoạch đảm bảo trước thời điểm vào mùa mưa lũ.

Hiện nay huyện Điện Biên có tổng diện tích gần 1.300ha mặt nước nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu ở các xã: Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên… với tổng sản lượng thủy sản hàng năm ước đạt trên 1.130 tấn, giá trị đạt 80 triệu/ha/năm, đem lại nguồn thu không nhỏ cho nhiều hộ gia đình. Bởi vậy, trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường do tác động của biến đổi khí hậu, nhất là trong mùa mưa lũ thì khâu đảm bảo an toàn hồ, ao nuôi luôn được huyện Điện Biên xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Ngay từ đầu năm, huyện đã tiến hành kiểm tra, đánh giá, tu bổ lại hệ thống đê bao đảm bảo chắc chắn, giữ ổn định mực nước trong các ao, hồ khi mùa mưa bão đến; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức tự bảo vệ nguồn thủy sản đến từng hộ dân; thông báo kịp thời tình hình mưa bão đến những người nuôi thủy sản thông qua các văn bản, cuộc họp, hệ thống loa truyền thanh để người dân sớm lên phương án bảo vệ, tránh thiệt hại nặng.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Ngoài hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật như: gia cố ao, chuẩn bị lưới vây, đăng chắn xung quanh ao để cá không thoát ra ngoài khi có lũ, chuẩn bị máy bơm để thực hiện tiêu nước khi cần thiết… chúng tôi còn khuyến khích bà con, nhất là các hộ nuôi thủy sản ở những vùng thấp, trũng nên ươm giống sớm và thu hoạch trước mùa mưa để tránh thiệt hại. Các hộ nuôi thủy sản cũng cần củng cố bờ vùng, chuẩn bị cuốc, xẻng, lưới và dự trữ cọc tre, bao cát để sẵn sàng đối phó khi có mưa lũ. Khi xảy ra mưa to, phải kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các giải pháp điều chỉnh phù hợp như: bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết. Đến thời điểm này, đa số diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện đã được các xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top