Tư vấn, giải ngân vốn giúp hội viên thay đổi nhận thức chăn nuôi

09:31 - Thứ Tư, 07/06/2017 Lượt xem: 6618 In bài viết
ĐBP - Năm 2014, Hội Nông dân huyện Tủa Chùa xây dựng nghị quyết giúp đỡ hội viên nghèo phát huy thế mạnh, tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững vươn lên xóa đói giảm nghèo chính đáng. Theo đó, Ban Thường vụ Hội ra quyết định 114/QĐ-HNDH về việc xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi tập thể (theo nhóm sở thích) tại các xã đặc biệt khó khăn. Mô hình nuôi dê, bò phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh phí và trình độ của đa số hội viên,  phát triển đàn dê, bò được thí điểm tại một số thôn, bản trong huyện.

Năm 2014, Hội Nông dân huyện chọn mô hình nuôi dê theo nhóm sở thích tại thôn Kể Cải, xã Mường Báng với 13 hộ nuôi 78 con dê. Tham gia mô hình các hộ đầu tư kinh phí mua dê giống, làm chuồng, Hội Nông dân huyện tư vấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc hỗ trợ một phần kinh phí thuốc phòng, trừ dịch bệnh cho gia súc. Từ đó đến tháng 12/2016 toàn huyện có 5 mô hình nuôi dê tập thể với tổng số 84 hộ, nuôi 754 con dê tại các xã: Tủa Thàng, Trung Thu, Sín Chải, Huổi Só, Mường Báng. Các nhóm nuôi dê tại các xã đã xây dựng quy ước chăn thả, trao đổi thông tin về tình hình phát triển của dê, chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật nuôi, sau 6 tháng, 1 năm sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả.

 

Được tư vấn về kỹ thuật nhiều hộ dân bản Cáng Tỷ, xã Sín Chải chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa, cải thiện thu nhập.

Sau 1 năm nuôi dê với sự tư vấn, kiểm tra giám sát của cán bộ hội nông dân xã, huyện, chính quyền, đàn dê tăng trưởng phát triển tốt, nhờ đó một số hộ bán dê chi tiêu đời sống, một số giết mổ phục vụ công việc gia đình, thôn, bản. Tuy nhiên một số con dê bị chết do người dân chưa biết phòng bệnh. Cụ thể, thả dê đi ăn sớm, chuồng trại chưa sạch sẽ, chăn thả vào nơi vừa phun thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu bệnh... Đến tháng 5/2017 đàn dê của 5 mô hình tại các xã nói trên có 987 con, trừ số bán đi, giết mổ và bị chết tổng đàn vẫn tăng trưởng 233 con so với năm 2014.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa, cho biết: Triển khai thực hiện mô hình nuôi dê theo nhóm sở thích có sự tư vấn kỹ thuật  giám sát, kiểm tra của Hội Nông dân huyện, chính quyền địa phương Hội Nông dân huyện tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ thuật chuyên đề nuôi dê cho 5 nhóm tại 5 xã; hỗ trợ 22,7 triệu đồng tiền thuốc phòng dịch bệnh; 3,5 triệu đồng chi phí quản lý nhóm. Để phong trào phát triển chăn nuôi phát triển bền vững, nhân rộng cho nhiều hội viên cùng làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của huyện với số tiền 300 triệu đồng, tháng 7/2015 Hội Nông dân huyện giải ngân cho hội viên vay. Với 10 hộ nông dân thôn Làng Vùa, xã Tủa Thàng mỗi hộ được vay 30 triệu đồng và tự mua 1 con trâu giống/hộ. Đến tháng 5/2017, 10 con trâu giống trên đã sinh sản thêm 10 con. Cũng từ quỹ hỗ trợ nông dân, cuối tháng 5/2017 vừa qua, Hội Nông dân huyện tiếp tục giải ngân 500 triệu đồng cho 15 hộ xã Mường Đun và Sín Chải vay mua trâu, bò giống phát triển đàn gia súc. Theo đó, 10 hộ xã Mường Đun được vay mỗi hộ 30 triệu đồng mua 1con trâu giống; 5 hộ xã Sín Chải mỗi hộ được vay 40 triệu đồng mua 2 con bò giống/hộ. Các hộ cam kết sau 1 năm gia súc phải sinh sản. Ông Cứ A Chang, bản Cáng Tỷ, xã Sín Chải, cho biết: Gia đình tôi là một trong nhóm hộ nuôi dê của bản, tôi thấy mô hình rất hiệu quả. Được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí phòng dịch bệnh, sinh hoạt nhóm trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, xây dựng quy ước chăn thả nên đàn dê của các hộ phát triển tốt. Ngoài chăn nuôi dê gia đình tôi còn nuôi 6 con bò, gần đây được chính quyền xã và Hội Nông dân huyện quan tâm cho vay 40 triệu đồng mua thêm 2 con bò giống. Có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, tôi tin rằng sẽ thực hiện làm giàu chính đáng.

Mô hình chăn nuôi dê, bò theo nhóm sở thích tại một số xã huyện Tủa Chùa với sự tư vấn kỹ thuật của Hội Nông dân huyện, có sự phối hợp kiểm tra giám sát của chính quyền địa phương đang thu được những kết quả tích cực. Mô hình giúp hội viên thay đổi nhận thức và hành động từ chăn nuôi mang tính tự cung, tự cấp nhỏ lẻ, truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển vật nuôi không ảnh hưởng phát triển cây trồng, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, vệ sinh thôn, bản; tăng sản lượng góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top