Lòng hồ xanh màu lúa

10:37 - Thứ Năm, 08/06/2017 Lượt xem: 7514 In bài viết
ĐBP - Mùa này, lên TX. Mường Lay không còn được phóng tầm mắt ngắm nhìn sông nước mênh mông, thuyền chài túc tắc kéo lưới. Đứng trên cầu Nậm Cản nhìn xuống, lòng hồ Thủy điện Sơn La đã cạn nước, hiện ra bãi đất bán ngập được san bằng và đắp bờ tạo ra những khoảnh đất dài, đều tăm tắp. Màu xám của đất đá xít ngày nào cũng đã được phủ xanh bởi màu lúa mới. Trên nền xanh ấy, bà con nông dân đang cặm cụi tỉa giặm với niềm tin, mong mỏi về những thửa ruộng trĩu bông...

 

Khu vực lòng hồ gần chân cầu Nậm Cản được phủ xanh màu lúa.

Mùa vụ mới này, thị xã Mường Lay có khoảng 40ha đất bán ngập được gieo cấy. Từ đầu tháng 4, lòng hồ Thủy điện Sơn La rút nước đến đâu, người dân chủ động cải tạo đất, gieo cấy đến đấy. So với mọi năm, nước rút muộn hơn 1 tháng nên người dân huy động nhân công làm cho kịp thời vụ. Tại khu vực đất bán ngập mới quanh cầu Nậm Cản, đây là vụ thứ 2 bà con canh tác nhưng là vụ đầu tiên trồng lúa đồng loạt nên dù đã có ít nhiều kinh nghiệm thì người nông dân vẫn còn trăn trở. Ông Trần Văn Ngạn, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã, cho biết: “Khu vực canh tác này không chỉ khó chủ động được thời gian gieo cấy mà còn gặp khó khăn do chưa có thủy lợi tưới tiêu, phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Đây cũng là lo lắng của bà con khi nhận đất canh tác. Chúng tôi đã định hướng người dân trồng giống lúa chịu hạn, ngắn ngày. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ các hộ 30% giống lúa Sơn Lâm chịu hạn. Đồng thời, các phòng ban chuyên môn luôn đồng hành, hướng dẫn, giúp đỡ người dân trong quá trình trồng và chăm sóc lúa. Sau một vài vụ đầu sẽ định hướng mùa vụ chuẩn xác để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa gạo cho bà con”. Thực tế khu vực đất bán ngập này được chia cho người dân mượn canh tác từ năm 2015. Năm đầu, các gia đình dành nhiều thời gian và công sức san gạt, thu nhặt đá sỏi, đắp bờ phân chia thửa ruộng. Năm 2016, sau một mùa lòng hồ tích nước lắng đọng phù sa, các ruộng bán ngập tuy vẫn lổn nhổn sỏi đá nhưng đã có lớp đất màu mỡ. Người dân bắt đầu trồng các loại rau, ngô và khoảng 1ha lúa. Vụ năm ấy, các loại cây phát triển khá tốt, lúa đạt năng suất 30 - 40 tạ/ha, có ruộng trên 50 tạ/ha nên người dân có thêm niềm tin. Đến năm nay, bà con đã gieo cấy lúa gần hết diện tích, còn lại một phần nhỏ để trồng rau phục vụ chăn nuôi.

Tại phường Na Lay, người dân 3 bản: Bó, Đán, Na Nát và tổ dân phố 9 cũng đang tỉa giặm lúa trên vùng đất bán ngập. Bà Lò Thị Hoán, bản Na Nát ra đồng từ sáng sớm, cố gắng giặm cho xong thửa ruộng của gia đình. Với gần 1.000m2 đất được chia, bà chỉ để hơn 100m2 trồng rau lấp làm thức ăn chăn nuôi lợn, còn lại đều gieo cấy lúa. Sau mấy trận mưa gần đây, các chân ruộng có nguy cơ khô nứt của gia đình bà đã được sấp 1 lớp nước, nhờ vậy cây lúa lên xanh mơn mởn. Bà Hoán chia sẻ: “Vụ năm ngoái, tôi chỉ trồng rau muống và rau lấp, thấy rau lên tốt, không bị khô cằn, sâu bệnh cũng hạn chế nên năm nay mạnh dạn trồng lúa. Nếu cây lúa phát triển ổn định, cho năng suất như các hộ năm trước đã trồng thì gia đình tôi đủ gạo ăn cả năm, sẽ không còn phải mua gạo bên ngoài, bớt được một khoản tiền khá lớn”. Toàn phường Na Lay hiện đang gieo cấy 12,8ha ruộng vùng bán ngập mới. Từ khi có ruộng bán ngập, nhiều người dân phường Na Lay đã có thêm sinh kế, tăng thu nhập cho gia đình. Ông Chu Văn Hoành, Phó Chủ tịch UBND phường Na Lay, cho biết: Trước kia, hầu hết người dân nơi đây là cư dân nông nghiệp, nhưng sau khi tái định cư thì không còn đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Vì vậy khi mượn được đất bán ngập lòng hồ, chính quyền phường tích cực tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho người dân các bản nhận đất canh tác. Ngoài diện tích đã kể trên, còn khoảng 15 - 16ha đất vùng lòng hồ đang được san ủi, sau khi hoàn thành sẽ sớm chia cho người dân canh tác. Mong muốn của phường là có thể cải tạo các bãi bán ngập thành khu vực trồng rau màu, trồng lúa ngắn ngày để người dân có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mùa nước cạn bắt đầu từ khoảng tháng 3 - 7, 8 (âm lịch). Chỉ có vài tháng ngắn ngủi nhưng người dân nơi đây đã biến một vùng đất bán ngập toàn đá sỏi thành những ruộng lúa, vườn rau, cung cấp lương thực, thực phẩm đảm bảo cuộc sống. Tuy rằng còn sớm để nói về 1 vụ mùa bội thu nhưng với niềm tin cùng sự cần cù, chịu khó của người nông dân Mường Lay, tin chắc rằng “sỏi đá cũng thành cơm” và những nhọc nhằn bỏ ra hôm nay sẽ được trả công xứng đáng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top