Đẩy mạnh khai hoang để sản xuất nông nghiệp bền vững

09:04 - Thứ Sáu, 09/06/2017 Lượt xem: 7068 In bài viết
ĐBP - Huyện Tủa Chùa có 7 dân tộc thiểu số, từ nhiều năm nay cuộc sống người dân gắn liền với đồi núi, tập quán sản xuất cây trồng trên nương còn phổ biến; đất nương độ dốc cao, nông dân ít sử dụng phân bón, vì thế nhanh bạc màu, chỉ sản xuất 2 - 3 vụ rồi bỏ hoang. Năng suất, sản lượng cây trồng trên nương thấp, lúa ruộng ít, đời sống người dân khó khăn. Gần đây, các xã đã được Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng, sửa chữa công trình thủy lợi, cây giống, tư vấn khoa học kỹ thuật; huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi sản xuất trên nương xuống ruộng.

 

Nông dân bản Háng Đề Dê, xã Xá Nhé tận dụng đất ven suối để cải tạo thành ruộng sản xuất lúa nước.

Ông Tô Văn Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cho biết: Theo chính sách về hỗ trợ khai hoang, phục hóa đang thực hiện nhiều năm nay, Nhà nước hỗ trợ kinh phí khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang, người dân có thể tự tạo bằng lao động thủ công hoặc thuê máy móc. Năm 2016, các cơ quan chuyên môn huyện Tủa Chùa phối hợp với chính quyền các xã nghiệm thu diện tích đất khai hoang, phục hóa, cải tạo đất nương sản xuất thành ruộng bậc thang cho người dân với tổng diện tích 122,5ha. Trong đó, cải tạo thành ruộng bậc thang 72,86ha, phục hóa 49,65ha. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chi trả kinh phí hỗ trợ khai hoang với tổng số tiền hơn 1,09 tỷ đồng cho 1.046 hộ các xã: Huổi Só, Tả Sìn Thàng, Trung Thu, Sính Phình, Tả Phìn, Lao Xả Phình, Xá Nhè, Tủa Thàng, Sín Chải. Còn lại 2 xã (Mường Đun, Mường Báng) sẽ chi trả trong quý II/2017. Những xã có diện tích khai hoang nhiều là: Xá Nhè 26,5ha, trong đó tạo ruộng bậc thang là 17,5ha, còn lại phục hóa; xã Mường Đun khai hoang 6,2ha, phục hóa 5,7ha...

Gia đình ông Giàng A Vàng, bản Pàng Nhang, xã Xá Nhè khai hoang 1.080m2, cho biết: Được hỗ trợ kinh phí, gia đình tôi khai hoang cải tạo đất bạc màu thành ruộng bậc thang, khai thác nguồn nước do Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi đưa ruộng vào sản xuất từ vụ đông xuân năm 2017. Tuy diện tích đất khai hoang không nhiều, nhưng đất ruộng sẽ cho canh tác lâu dài. Thực tế cho thấy, gieo cấy 1.000m2 lúa ruộng cho năng suất bằng 1ha trồng lúa nương, mà ruộng sẽ canh tác bền vững. Nhờ phục hóa 870m2 đất đồi bỏ hoang thành ruộng bậc thang, đầu tư phân chuồng, phân xanh và phân đạm, lân, ka li gia đình ông Lường Văn Nghiêm, bản Là Xa, xã Mường Đun đã gieo cấy được lúa ruộng. Ông Nghiêm cho biết: Lúa ruộng năng suất ổn định, công, chi phí ít hơn gieo trồng lúa nương, giá trị thu nhập cao hơn cây trồng khác.

Nhờ cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang, người dân 2 xã: Xá Nhè và Mường Đun đã gieo cấy được lúa đông xuân vụ năm 2017; một số đất ven suối cũng được cải tạo thành ruộng cấy lúa. Áp dụng các kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc theo quy trình được khuyến cáo nên lúa tốt. Mặc dù thời gian thu hoạch lúa đông xuân còn gần 2 tháng nữa, nhưng với tình hình sinh trưởng phát triển như hiện nay, theo dõi kiểm tra chăm sóc chu đáo, tin tưởng rằng lúa trên những mảnh ruộng mới khai hoang ở huyện Tủa Chùa sẽ cho năng suất cao. 

Địa hình độ dốc cao, nhiều xã đất rừng chủ yếu núi đá, đất sản xuất ít, khai hoang phục hóa cải tạo đất nương, vườn tạp kém hiệu quả thành ruộng bậc thang để tạo quỹ đất phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững là giải pháp hiệu quả được chính quyền các cấp và người dân ủng hộ, giúp nông dân Tủa Chùa ổn định thu nhập lương thực, cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top