Hàng ra thành phố, hàng về nông thôn

09:00 - Thứ Tư, 14/06/2017 Lượt xem: 5513 In bài viết
Với những hoạt động thiết thực như: Tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới; trưng bày, giới thiệu sản phẩm; chương trình bán hàng Việt khuyến mại… Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Để có được thành quả đó, ngoài nỗ lực đẩy mạnh CVĐ của các cấp, ngành thì các doanh nghiệp cũng chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Người dân lựa chọn hàng Việt tại chợ phiên A Pa Chải, huyện Mường Nhé.

Nhiều hoạt động thiết thực

Chia sẻ với chúng tôi về những cách làm hay, hoạt động thiết thực để triển khai thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Lò Văn Mừng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cho biết: CVĐ đã tạo sức lan tỏa đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân. Để có kết quả đó, trước hết công tác tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức phù hợp từng địa phương, đối tượng. Các cơ quan, đơn vị khối Nhà nước khi trang bị, mua sắm tài sản công đã ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Còn tại các thôn, bản, tổ dân phố, nội dung tuyên truyền, vận động được lồng ghép trong các buổi họp dân và sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, hội nghị tập huấn, câu lạc bộ… Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân, cán bộ, công chức về định hướng lựa chọn hàng hóa để mua sắm, phục vụ sinh hoạt gia đình. Do vậy, tâm lý “chuộng hàng ngoại” cũng giảm đáng kể.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo đã xuất hiện từ thực tiễn thực hiện CVĐ với nội dung, hình thức phong phú. Điển hình là việc gắn CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Ủy ban MTTQ các cấp; gắn CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với phong trào “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; gắn CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân tỉnh... Đặc biệt, các chương trình “phiên chợ hàng Việt về nông thôn” và “đưa hàng Việt về miền núi, biên giới” do Sở Công Thương tổ chức đã giúp đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa có cơ hội được mua sắm các sản phẩm hàng Việt chất lượng, uy tín với giá cả hợp lý. Điều đáng chú ý là không chỉ giới hạn tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành liên quan còn tổ chức giới thiệu sản phẩm, đặc sản địa phương, như: Chè Tủa Chùa, rượu men lá, bánh khẩu xén, gạo Điện Biên... tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và Luông Pra Băng (Lào).

“Cầu nối” doanh nghiệp

CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo sức lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, đây chính là “cầu nối” đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Là một trong những đơn vị tích cực tham gia CVĐ từ những ngày đầu phát động, Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba đã tạo được ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, giá thành ổn định. Ông Nguyễn Chí Ba, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Hoa Ba, cho biết: Hiện nay, Siêu thị có khoảng 20.000 mặt hàng, đảm bảo chất lượng, giá cả từ bình dân đến cao cấp, phù hợp với mọi đối tượng khách hàng. Trong đó, Siêu thị ưu tiên giới thiệu, bày bán các mặt hàng của Việt Nam, đảm bảo về chất lượng và giá thành hợp lý. Đặc biệt là vào những dịp cuối năm, thực hiện chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, doanh nghiệp cam kết không nâng giá các mặt hàng Việt Nam nên được người dân tin dùng.

Với địa bàn vùng cao Mường Nhé, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo... các phiên chợ đưa hàng Việt cũng được tổ chức hàng năm. Với sự tham gia ngày càng nhiều doanh nghiệp, như: Doanh nghiệp Thương mại Tư nhân Long Hằng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Cát Lợi, Doanh nghiệp Thương mại Xây dựng Thịnh Vượng, Doanh nghiệp Thương mại và Dịch vụ Đại Phát… Từ năm 2015 đến nay, những doanh nghiệp này đã phối hợp tổ chức 7 phiên chợ về các huyện vùng cao và 14 đợt đưa hàng Việt về miền núi, biên giới. Trước đây, để đồng bào dân tộc vùng cao tiếp cận và tiêu dùng hàng Việt là điều không dễ. Ngoài nhận thức còn hạn chế, thu nhập thấp và thói quen tiêu dùng thì giao thông cách trở cũng là lý do khiến hàng Việt khó tiếp cận được với bà con. Tuy được đánh giá chất lượng tốt, nhưng hàng Việt lại không bắt mắt bằng hàng ngoại nhập, đặc biệt là mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Do đó, cùng với việc chú trọng đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thì nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện, trang thiết bị phục vụ tốt nhất cho các buổi bán hàng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh khảo sát địa điểm đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, gần khu dân cư để người dân dễ đến mua sắm như: trụ sở UBND xã, điểm bản trung tâm.

Với những hoạt động thiết thực, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường với các sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, bình ổn thị trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top