Giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội

09:20 - Thứ Tư, 14/06/2017 Lượt xem: 5706 In bài viết
ĐBP - Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động thông qua chính sách phát triển các chương trình kinh tế - xã hội; Quỹ quốc gia về việc làm; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh… Nhiều lao động có việc làm, tự tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội.

 

Nghề trồng nấm ở xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) tạo việc làm cho nhiều lao động, đem lại thu nhập khá ổn định.

Nhiều chương trình kinh tế trọng điểm thời gian qua đã được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện; trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực gắn với các mô hình kinh tế trang trại, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp người lao động, nhất là lao động nông thôn tạo việc làm, tăng thu nhập. Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các xã trên địa bàn và kết nối các phiên giao dịch việc làm trực tuyến với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh... giúp người lao động đăng ký tìm việc làm. Đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đi khảo sát thị trường lao động của một số tỉnh lân cận, như: Bắc Ninh, Thái Nguyên nhằm tìm kiếm thị trường trong nước giúp người lao động có nhu cầu tìm được việc phù hợp, ổn định. Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, ban hành văn bản cho phép các doanh nghiệp ngoài tỉnh được tuyển chọn lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp... Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có gần 20.000 lao động được giải quyết việc làm; trong đó, hơn 1.000 lao động được đi đào tạo và làm việc tại các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hưng Yên và hàng trăm lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh theo hình thức tự phát (bạn bè, người thân giới thiệu); gần 3.000 người được tạo việc làm, tự tạo việc làm ổn định từ nguồn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm và nhiều nhất là hơn 15.000 lao động được giải quyết việc làm từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Điện Biên, để hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 1.000 lao động trong năm 2017 cùng với đẩy mạnh việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện chủ động phối hợp với các xã trên địa bàn nắm bắt nhu cầu việc làm để giới thiệu với doanh nghiệp. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm tạo thêm việc làm mới, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động…

Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả giải quyết việc làm hàng năm thường vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, song số tự tạo việc làm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, việc làm không ổn định, thu nhập không cao. Số lao động có việc làm tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn còn thấp. Nguyên nhân được xác định là do cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác giải quyết việc làm, chưa có nhiều giải pháp tích cực trong việc vận động, tuyên truyền người lao động tham gia xuất khẩu lao động nhằm tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, lao động là người dân tộc thiểu số còn mang nặng phong tục tập quán bám đất bám ruộng, không muốn xa gia đình cũng là nguyên nhân khiến công tác giải quyết việc làm theo hình thức xuất khẩu lao động, làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Mục tiêu năm 2017 và giai đoạn đến năm 2020, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 8.500 lao động cùng với việc duy trì, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho hơn 309.000 người trong toàn tỉnh. Theo ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đó là nhiệm vụ không hề đơn giản với một tỉnh ít doanh nghiệp hoạt động lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng không nhiều lao động. Chính vì vậy, vấn đề được xác định là then chốt trong khâu giải quyết việc làm cho người lao động, đó là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và dạy nghề; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể tỉnh, người sử dụng lao động và người lao động về giải quyết việc làm, tạo sự đồng thuận cùng tham gia thực hiện. Tiếp tục rà soát thực trạng chất lượng nguồn lao động, thực trạng việc làm, xác định nguyên nhân thiếu việc làm, nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề để xây dựng phương án thực hiện phù hợp với từng địa phương. Cùng với đó chủ động thực hiện lồng ghép nguồn vốn của chương trình việc làm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để tạo việc làm cho người lao động, ưu tiên cho vay từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động; hộ vay vốn đối với các dự án tạo việc làm ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, các trang trại chăn nuôi, trồng trọt... tạo nhiều việc làm ổn định và chất lượng.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top