“Điểm tựa” giao thương buôn bán cho người dân vùng cao

09:15 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 6304 In bài viết
ĐBP - Trên đường trở lại xã vùng cao Nậm Tin vào những ngày trung tuần tháng 6,  từ sáng sớm, trên các nẻo đường dẫn về trung tâm xã chúng tôi bắt gặp từng tốp người gùi nông sản (ngô, dưa, khoai…), người xách con gà, con vịt; thi thoảng, từ phía thung lũng vọng lại tiếng í ới gọi nhau đi chợ. Trò chuyện cùng anh Vàng A Chống (bản Nậm Tin 2), chúng tôi được biết: Chủ nhật hàng tuần, người dân thường đến chợ Vàng Lếch (xã Nậm Tin) để buôn bán nông sản, trao đổi hàng hóa.

Chúng tôi đến chợ Vàng Lếch khi mặt trời mới ló rạng phía sau những dãy núi, nhưng khung cảnh nơi đây đã tấp nập, đông vui. Cách họp chợ, mua bán và loại mặt hàng bày bán ở đây vẫn giữ nguyên nét văn hóa truyền thống. Chợ có đầy đủ sản vật của vùng cao, những vật dụng cần thiết cho sản xuất lao động, như: Cày, cuốc, xẻng, dao và các mặt hàng nông sản (rau, măng, hoa quả, mật ong, gạo, rượu...). Ngoài giữ được vẻ hoang sơ, nét đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây, “ấn tượng” hơn cả là chợ Vàng Lếch hiện nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với hệ thống kết cấu hạ tầng thuận tiện cho việc đi lại cũng như giao thương buôn bán, xuất hàng hóa ra các vùng lân cận... Khoe với chúng tôi về chợ mới, bà Vàng Thị Sèo, bản Nậm Tin 2 (người buôn bán lâu năm), phấn khởi nói: Trước đây, người dân rất vất vả mỗi khi đến họp chợ, nhất là những hôm trời mưa quanh khu chợ toàn bùn lầy, trơn trượt. Không có chỗ nên bà con phải ngồi bên đường để bày bán nông sản. Nay khác nhiều rồi, ơn Đảng và Nhà nước từ khi chợ Vàng Lếch được xây dựng đã giúp bà con thuận tiện hơn trong việc buôn bán; nhiều nhà chăm chỉ làm ăn, chủ động đưa nông sản ra chợ bán nên đã dần thoát khỏi đói nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Đặc biệt, hàng hóa từ miền xuôi cũng ngược ngàn về với bà con vùng cao với nhiều chủng loại, đầy đủ sắc màu, như: Quần áo, ti vi, điện thoại di động...

 

Nhiều gian hàng ở chợ Vàng Lếch rất phong phú, đa dạng.

Đánh giá về hiệu quả của chợ Vàng Lếch, ông Khoàng Văn Quán, Chủ tịch UBND xã Nậm Tin, cho biết: Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng chợ Vàng Lếch đã thu hút được người dân trong xã và tiểu thương ở các vùng lân cận: Nà Khoa, Chà Cang, Chà Nưa, Mường Chà... đến giao thương, trao đổi, buôn bán. Các mặt hàng cũng vì thế mà đa dạng phong phú hơn, hiện nay những mặt hàng công nghệ cao... người dân cũng có thể lựa chọn mua tại chợ Vàng Lếch với nhiều sản phẩm và chủng loại khác nhau. Đường sá thuận tiện nên tiểu thương ở các vùng lân cận đã chủ động đưa phương tiện đến thu mua trực tiếp hàng hóa, nông sản, vật nuôi của bà con ngay tại chợ, người dân không phải mất thời gian, chi phí đưa hàng hóa đến nơi khác để bán. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng chợ Vàng Lếch, không chỉ mở ra cơ hội để người dân kết giao và hội nhập mà hơn thế nữa còn là tiềm năng để xã phát triển du lịch trải nghiệm với nhiều nét văn hóa cộng đồng, giàu bản sắc, truyền thống từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để phát huy hiệu quả công trình sau đầu tư, công tác quản lý, sử dụng được Ban Quản lý chợ chú trọng bảo vệ, chỉnh trang, tu bổ cơ sở hạ tầng chợ, đáp ứng các nhu cầu của người dân và tiểu thương buôn bán trong chợ; đặc biệt công tác đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng tranh dành vị trí bán hàng, xô xát, gây mất trật tự công cộng.

Ông Chu Văn Sử, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Nậm Pồ, cho biết: Chợ Vàng Lếch được khởi công xây dựng từ tháng 4/2015 với rất nhiều hợp phần, như: Nhà chợ chính, nhà ki ốt, nhà ban quản lý chợ, ga ra xe đạp, xe máy, rãnh thoát nước… với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng (nguồn vốn Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ - CP của Chính phủ hàng năm cho huyện Nậm Pồ). Trong đó, nhà chợ chính là nhà cấp IV (1 tầng), diện tích xây dựng 315,71m2, móng cột bằng bê tông cốt thép; nhà ban quản lý chợ, diện tích xây dựng 20,1m2, móng xây gạch kết hợp hệ giằng bằng bê tông cốt thép... Tổng diện tích đất sử dụng 0,3ha. Sau khi bàn giao và đưa vào sử dụng, công trình đã và đang mang lại những nguồn lợi thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức thu nhập cũng như đời sống của nhân dân; tiến tới hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Nậm Tin theo đúng lộ trình.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top