Quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm

Đồng vốn nhỏ, ý nghĩa lớn

09:23 - Thứ Năm, 15/06/2017 Lượt xem: 5530 In bài viết
ĐBP - Hơn 3.000 lao động trên địa bàn tỉnh được giải quyết việc làm và tự tạo việc làm nhờ chương trình cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội từ năm 2015 đến nay là minh chứng cụ thể, thiết thực nhất chứng minh hiệu quả chương trình mang lại. Với vai trò chủ trì, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chủ động, tích cực triển khai, tổ chức thực hiện, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, nâng cao hiệu quả cho vay, bảo đảm dư nợ và kiểm soát được dư nợ quá hạn. Với mạng lưới hoạt động là các điểm giao dịch đến tận xã đã tạo điều kiện thuận tiện để khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn chính sách. Cùng với thủ tục vay vốn đơn giản, thời gian giải ngân nhanh chóng đã giúp các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Với tổng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm gần 67,5 tỷ đồng, thực hiện ủy thác qua các hội: Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, liên đoàn lao động và hội đồng liên minh hợp tác xã thời gian qua đã giúp rất nhiều hội viên được vay vốn thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Với số hội viên, nông dân nhiều, song tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống còn nhiều khó khăn; vì vậy, được tiếp cận nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã giúp nhiều hội viên nông dân có việc làm, tự tạo việc làm đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Với lãi suất ưu đãi, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân và được hướng dẫn sử dụng đồng vốn đúng mục đích, đa phần nguồn vốn vay là “liều thuốc trợ lực” giúp các hộ nông dân vươn lên làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ việc sử dụng hiệu quả vốn vay đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn, thay đổi nhận thức của một bộ phận những hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ chưa bắt kịp với phương thức sản xuất lớn. Cũng thông qua chương trình cho vay này, giúp Hội có điều kiện đi sâu, đi sát tới từng cơ sở để gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

 

Được vay vốn giải quyết việc làm, nông dân xã Thanh Xương, huyện Điện Biên chăn nuôi gia cầm tạo việc làm tăng thu nhập.

Cũng theo bà Cao Thị Tuyết Lan, để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để hội viên nông dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh nhất; chỉ đạo hội cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín dụng ưu đãi hộ nói chung và chính sách vốn vay giải quyết việc làm nói riêng đến cán bộ, hội viên nông dân. Các chi hội tích cực tham gia cùng với chính quyền xác định đối tượng vay vốn. Việc bình xét vay vốn được thực hiện đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, công khai, dân chủ. Tổ Tiết kiệm và vay vốn tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về tín dụng ưu đãi đến các đối tượng vay vốn; đồng thời, trực tiếp thu lãi hàng tháng, đôn đốc hội viên trả vốn khi đến hạn. Để giúp hội viên sử dụng đồng vốn hiệu quả, Hội chú trọng hướng dẫn hội viên vay vốn về kỹ thuật sản xuất, kiến thức kinh doanh. Hàng năm, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên; tổ chức dạy nghề, tạo thêm việc làm, giúp nông dân tăng thu nhập. Từ nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo của địa phương. Từ đầu năm đến nay, 20 hội viên được vay vốn với tổng số tiền 640 triệu đồng, tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều hộ sử dụng hiệu quả đồng vốn vay phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Đơn cử, như gia đình anh Nguyễn Văn Tân (phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) cuối năm 2016, được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm, cùng với số vốn tích lũy và vay mượn thêm của anh em, họ hàng, anh đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, tự tạo việc làm tăng thu nhập...

Trên thực tế, nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm còn hạn chế, do đó số người được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này chưa nhiều. Chính vì vậy, điều mong muốn của hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh là có thêm nhiều hộ được tiếp cận nguồn vay này để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tự tạo việc làm. Bên cạnh đó, để phát huy hơn nữa hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Quốc gia về việc làm, chính quyền các cấp trong tỉnh cần quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn dạy nghề, định hướng sản xuất, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các hộ vay vốn. Phối hợp, lồng ghép vốn tín dụng chính sách với các dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ngân hàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân; hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top