Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật

09:13 - Thứ Sáu, 16/06/2017 Lượt xem: 6760 In bài viết
ĐBP - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên, tình trạng thuốc BVTV chưa được quản lý chặt chẽ, cộng với sự thiếu kiến thức của không ít người dân đã dẫn đến việc sử dụng sai quy định, thậm chí lạm dụng thuốc BVTV dẫn đến “lợi bất cập hại”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 188 cơ sở buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV; trong đó, 143 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV (đạt 76,06%). Ngoài ra, còn một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ, không đăng ký. Trước đây, tình hình kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ; các hành vi vi phạm về điều kiện buôn bán, sử dụng thuốc BVTV không đúng kỹ thuật, không đảm bảo thời gian cách ly… có chiều hướng gia tăng gây mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 8/11/2016 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, tình trạng vi phạm các quy định trong buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV giảm đáng kể; người dân có ý thức hơn trong sử dụng thuốc BVTV.

 

Chủ cơ sở buôn bán thuốc BVTV tại huyện Điện Biên hướng dẫn khách hàng sử dụng thuốc BVTV.

Ông Chu Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về thuốc BVTV được triển khai trên 3 nội dung: Quản lý kinh doanh, buôn bán; quản lý sử dụng và quản lý thu gom bao, bì thuốc BVTV. Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND, cơ quan BVTV không còn đơn độc trong công tác quản lý thuốc BVTV như trước mà có sự phối hợp chặt chẽ, phân rõ trách nhiệm cụ thể với các ngành, chính quyền các cấp. Hàng năm, các trạm BVTV xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố thành lập tổ công tác liên ngành thanh tra, kiểm tra các cơ sở buôn bán, kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, UBND cấp huyện đầu tư xây dựng các bể chứa vỏ bao, bì thuốc BVTV đã qua sử dụng, bảo vệ môi trường. Các trạm BVTV còn phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”... Chi cục BVTV chịu trách nhiệm quản lý chung, tổ chức thanh tra đột xuất các cơ sở buôn bán, kinh doanh thuốc BVTV và hỗ trợ kỹ thuật cho các huyện, thị xã, thành phố khi có yêu cầu. Nhờ đó, thời gian qua, công tác quản lý thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan BVTV đã thực hiện 9 quyết định kiểm tra đánh giá điều kiện kinh doanh thuốc BVTV, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại 4 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng và Mường Nhé... Qua kiểm tra, đã xử phạt 1 cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV; 3 cơ sở không đảm bảo điều kiện chất lượng buôn bán thuốc BVTV và 7 cơ sở chưa chấp hành pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; tổng số tiền phạt gần 30 triệu đồng.

Huyện Điện Biên có 113 cơ sở, kinh doanh thuốc BVTV; trong đó 93 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trung bình mỗi năm, huyện Điện Biên có 5 - 6 cơ sở đăng ký mới. Trước đây, việc quản lý khá khó khăn đối với các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, theo mùa vụ nhưng khi có sự phối hợp của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền xã thì việc quản lý có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, huyện Điện Biên đang tiến hành rà soát, phân loại các cơ sở buôn bán thuốc BVTV chưa đủ điều kiện kinh doanh để hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện thủ tục sớm được cấp giấy chứng nhận.

Vấn đề khó nhất trong công tác quản lý thuốc BVTV hiện nay là thiếu hệ thống cửa hàng cung ứng thuốc BVTV tại các huyện, xã vùng cao, khu vực biên giới. Do đó, tình trạng thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường. Thực tế cho thấy, địa phương nào có hệ thống cửa hàng cung ứng rộng thì không xảy ra tình trạng thuốc BVTV giả, nhập lậu (huyện Điện Điên, TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ). Các huyện như: Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ... các cơ sở buôn bán chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn còn tại các xã vùng cao, vùng sâu hầu như không có. Cá biệt như huyện Mường Nhé, toàn huyện chưa có cơ sở buôn bán thuốc BVTV. Theo ông  Lò Văn Hà, Trạm phó phụ trách Trạm BVTV huyện Mường Nhé, thì: Để siết chặt công tác quản lý thuốc BVTV, các huyện vùng cao, khó khăn cần phải hoàn thiện hệ thống cung ứng. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Nhé, nhiều hộ dân có nhu cầu buôn bán thuốc BVTV nhưng chưa có điều kiện học nghề để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán (chi phí mỗi khóa học khoảng 15 -20 triệu đồng). Hiện, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã tổ chức rà soát nhu cầu học nghề buôn bán thuốc BVTV, đăng ký qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đào tạo thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top