Cần cơ chế để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê phát triển

09:20 - Thứ Sáu, 16/06/2017 Lượt xem: 7152 In bài viết
ĐBP - Được xem là cây mũi nhọn, song giá trị kinh tế mà cà phê Mường Ảng đem lại chưa xứng với giá trị thực sẵn có. Nhất là khi vấn đề tiêu thụ cà phê vẫn chủ yếu phụ thuộc vào doanh nghiệp từ nơi khác, nên giá bán và thị trường tiêu thụ phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp ngoại tỉnh. Tại huyện Mường Ảng hiện có một số cơ sở sơ chế cà phê nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu là của các hộ gia đình. Các cơ sở chế biến cà phê rang xay đã được một số doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, được khá nhiều người sành cà phê biết đến, như: Công ty TNHH Hải An và Công ty TNHH Cà phê Đại Bách Mường Ảng từng bước tạo nên “thương hiệu” cà phê rang xay Mường Ảng, nhưng quy mô nhỏ nên khó tiếp cận với các chính sách ưu đãi của Nhà nước...

 

Ông Trương Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Hải An, thị trấn Mường Ảng giới thiệu hệ thống máy rang cà phê.

Nói về vấn đề này, ông Trương Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Hải An cho biết: Hiện doanh nghiệp có 20ha cà phê kinh doanh, trong đó nhiều diện tích đang thí điểm áp dụng quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn 4C (sản xuất cà phê bền vững). Công ty tập trung phát triển sản phẩm cà phê sạch với các dòng sản phẩm cà phê hạt, cà phê pha phin và cà phê túi lọc. Bình quân mỗi tháng sản xuất hơn 1 tấn cà phê sạch xuất bán ra thị trường nhưng chủ yếu là cà phê hạt. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh dòng sản phẩm cà phê sạch. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là vốn để đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ chế biến cà phê, nhất là chế biến sâu đòi hỏi kinh phí rất lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, song đến thời điểm này, doanh nghiệp chưa được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng như thu hút đầu tư theo Nghị định số 210 của Chính phủ. Nghị định số 210 của Chính phủ quy định, doanh nghiệp chế biến cà phê được hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án chế biến cà phê theo phương pháp chế biến ướt để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị. Tuy nhiên, điều kiện để được hỗ trợ thì công suất tối thiểu phải đạt 5.000 tấn sản phẩm/năm. Ông An cho rằng, quy mô để được hỗ trợ theo quy định này là quá lớn đối với việc đầu tư trên địa bàn, bởi toàn vùng cà phê Mường Ảng sản lượng trung bình mỗi năm cũng chỉ đạt khoảng 5.700 tấn cà phê trấu! Như vậy, cứ chiểu theo quy định này thì không chỉ doanh nghiệp của ông An mà các doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng không đủ điều kiện. Ngoài Nghị định 210 của Chính phủ, thì doanh nghiệp chế biến cà phê còn được tiếp cận chính sách tín dụng hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong lĩnh vực này doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ lãi suất để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp gồm các loại máy trồng chăm sóc, thu hoạch; máy sấy... với mức vay tối đa bằng 100% giá trị hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu, 50% năm thứ 3. Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị giảm tổn thất trong nông nghiệp (có sản phẩm cà phê) được Nhà nước cấp bù phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và được vay ở mức tối đa bằng 70% giá trị của dự án. Nhưng đến nay do tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể chính sách này nên doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay, hỗ trợ lãi suất.

Tương tự như các chính sách trên, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 10a của UBND tỉnh ban hành có hiệu lực đã gần 7 năm nay (trong đó quy định vận dụng hỗ trợ đối với công nghiệp chế biến cà phê khá rõ ràng về mức hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất với mức tối đa là 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/cơ sở; được hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm trong nước với mức 80% tiền thuê gian hàng)… nhưng đến nay duy nhất có Công ty TNHH Cà phê Đại Bách Mường Ảng được hỗ trợ kinh phí 100 triệu đồng để thực hiện dự án ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến cà phê bột. Do nguồn vốn hạn hẹp lại nhiều lĩnh vực cần hỗ trợ nên việc được tiếp cận chính sách này là vô cùng khó.

Hàng loạt khó khăn trong tiếp cận chính sách khuyến khích thu hút đầu tư cho đến các chính sách hỗ trợ chế biến tiêu thụ sản phẩm cà phê Mường Ảng thời gian qua là một trong những “rào cản” khiến số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ, chế biến sản phẩm cà phê tại chỗ. Mặt khác, việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Mường Ảng còn nhiều khó khăn, dù Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cà phê Mường Ảng được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015 nhưng hơn 2 năm qua chưa thể thực hiện vì thiếu vốn. Vì vậy, chưa thể thiết lập được cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể, nâng cao giá trị, danh tiếng của cà phê Mường Ảng trên thị trường. Để cà phê Mường Ảng phát triển bền vững thì không những cần sớm xây dựng “thương hiệu” cho sản phẩm và cơ chế khuyến khích hỗ trợ tạo lực đẩy để doanh nghiệp chế biến cà phê phát triển; liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cà phê trên địa bàn.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top