Làm giàu từ chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học

08:30 - Thứ Tư, 21/06/2017 Lượt xem: 6203 In bài viết
ĐBP - Ở bản Xuân Tươi, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, dân bản ai cũng khen anh Lò Văn Phan là nông dân tiêu biểu vượt khó vươn lên làm giàu.

Như nhiều gia đình thuần nông khác, trước đây, sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Phan chỉ dựa vào làm ruộng, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, thu nhập chỉ đủ ăn. Năm 2015, qua tìm hiểu, nghiên cứu từ 1 hộ chăn nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học ở xã Rạng Đông với những ưu điểm: Chi phí đầu tư thấp, đệm lót sinh học có thể sử dụng được từ 2 - 3 năm; vừa giảm chi phí xây dựng chuồng trại lại ít bị dịch bệnh, anh Phan về áp dụng vào chăn nuôi của gia đình. Anh đã cải tạo lại gần 200m2 chuồng nuôi theo phương pháp mới; đầu tư mua thêm 3 con lợn nái để chủ động được lợn giống. Đến nay, anh Phan duy trì đàn lợn với 3 con lợn nái và 30 con lợn thịt; mỗi năm anh xuất 2 lứa lợn, mang lại nguồn thu nhập lớn.

 

Anh Lò Văn Phan, bản Xuân Tươi, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo, chăm sóc đàn lợn.

Chăn nuôi theo phương pháp mới, đàn lợn của anh phát triển, sinh trưởng tốt, ít bị dịch bệnh. Anh Lò Văn Phan cho biết: Là 1 trong những người đầu tiên chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học trên địa bàn xã Mường Mùn. Chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học là một hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm trên một nền đệm lót được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (trấu, mùn cưa, rơm, rạ…) trộn với men vi sinh để phân hủy chất thải, giảm khí độc và mùi hôi chuồng nuôi tạo môi trường trong sạch. Chuồng nuôi bằng đệm sinh học không có mùi là do trong men sử dụng nhóm các vi sinh vật có chức năng tiêu hóa những chất dinh dưỡng còn sót lại trong chất thải của vật nuôi thành  chất không mùi. Lợi ích thiết thực nhất khi chăn nuôi theo phương pháp này là giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, khi chuồng trại sử dụng đệm lót sinh học thì không cần tắm cho lợn hàng ngày mà lợn vẫn sạch, chuồng nuôi không có mùi hôi, giảm chi phí điện nước và nhân công. Mặt khác, trong thành phần của các chế phẩm men vi sinh có chứa nhiều vi sinh vật hữu ích trộn với thức ăn giúp nâng cao khả năng sinh trưởng, hạn chế bệnh dịch. Sau một thời gian sử dụng, đệm lót có thể tái sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.

Cũng theo anh Phan, chăn nuôi cũng như trồng trọt, không nên chủ quan chỉ dựa vào kinh nghiệm sẽ dễ thất bại hoặc hiệu quả kinh tế không cao. Mà cần tích cực đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt  do xã tổ chức. Đồng thời, chịu khó tham quan, học hỏi những cách làm hay tại các mô hình chăn nuôi hiệu quả trên địa bàn và địa phương khác.

Hiện nay, cùng với sản xuất trên 1,5ha lúa ruộng, lúa nương, anh Phan còn trồng 1,5ha ngô để chủ động thức ăn cho chăn nuôi lợn; ngoài ra anh còn nuôi 3 con trâu; trung bình mỗi năm gia đình anh thu nhập 100 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Lò Văn Phan luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào do Hội Nông dân xã Mường Mùn và Chi hội Nông dân bản Xuân Tươi phát động; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho nhiều hội viên nông dân khác để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của anh Phan được nhiều hộ dân trong xã học hỏi và được chính quyền xã biểu dương, khuyến khích nhân rộng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top