Thách thức trên lộ trình xây dựng nông thôn mới

09:08 - Thứ Tư, 28/06/2017 Lượt xem: 6326 In bài viết
ĐBP - Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mường Chà bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện và là định hướng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
Nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân trên địa bàn từng bước được nâng lên; người dân đã dần xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực quản lý cán bộ, công chức các cấp của địa phương trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, bình quân các xã trên địa bàn huyện mới chỉ đạt 6,09 tiêu chí/xã; riêng xã Huổi Mí đạt dưới 5 tiêu chí. Điều đó cho thấy lộ trình để hoàn thiện 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại 11 xã của huyện Mường Chà còn không ít khó khăn và thách thức. 
 

Bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã Na Sang đầu tư xây dựng cầu dân sinh tại bản Huổi Nhả.

Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo, kiện toàn lại ban chỉ đạo các cấp. Đến nay 11/11 xã đã kiện toàn lại ban chỉ đạo, ban quản lý xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; kiện toàn lại Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện với tổng số 13 đồng chí, là công chức của các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện. Đồng thời, huyện tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới theo cơ chế đầu tư giao cho người dân và cộng đồng tự làm trên cơ sở thiết kế mẫu, thiết kế điển hình. Huyện hỗ trợ tín dụng vay vốn phát triển sản xuất; huy động đóng góp của nhân dân; khuyến khích xây dựng và phát triển ngành nghề nông thôn; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới; khuyến khích đầu tư vào việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ các xã thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy vậy trong thực tế, công tác phối hợp chỉ đạo của các ban, ngành đoàn thể địa phương, hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc xây dựng nông thôn mới chưa thực sự quyết liệt, nhiều nơi còn thiếu đồng bộ. Một số thành viên ban chỉ đạo huyện hoạt động chưa đều, chưa bám sát địa bàn, công việc được phân công. Ban vận động của xã chưa phát huy năng lực, chưa thực hiện tốt vai trò trách nhiệm trong công tác tham mưu. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và ban vận động còn hạn chế, lúng túng, chưa tích cực trong việc tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, chưa chủ động vận dụng cơ chế, chính sách làm cơ sở thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn mà Đề án đã được phê duyệt; vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chưa toàn diện, kịp thời. Một thách thức nữa đối với huyện Mường Chà đó là nhiệm vụ, khối lượng công việc xây dựng nông thôn mới rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế; các chỉ tiêu đề ra theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới lại cao so với xuất phát điểm thực tế của địa phương, một huyện miền núi cơ sở hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu, không đồng bộ.

Trong những năm qua, mặc dù cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện đã vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm cao nhưng đến nay huyện Mường Chà vẫn chưa có xã nào hoàn thành chương trình nông thôn mới. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 1 xã đạt 10/19 tiêu chí; 3 xã đạt 7 - 8 tiêu chí và 7 xã chỉ đạt từ 3 - 6 tiêu chí. Những tiêu chí này đạt được hầu hết là dựa vào nguồn lực đầu của Nhà nước, như: Tiêu chí số 1 về quy hoạch, tiêu chí số 8 về bưu điện, tiêu chí số 18 về hệ thống chính trị... Còn những tiêu chí khác muốn hoàn thành được lại cần nhiều thời gian và công sức. Ví dụ như tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Đến tháng 6/2017, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 10,3 triệu đồng/ người/năm, tăng 1,87 lần so với năm 2010. Nhưng theo tiêu chí quy định thu nhập bình quân/người/năm phải đạt tối thiểu 18 triệu đồng. Nguyên nhân do lao động nông thôn chiếm 85% thu nhập chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp mà diện tích sản xuất nông nghiệp của các xã ít, rải rác; trong khi suất đầu tư cho sản xuất thấp, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa cao, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước… Do đó, đến nay vẫn chưa có xã nào đạt tiêu chí số 10 và 11. Hay như việc hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh là 87%; 30,24% số hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 44,73% hộ dân có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh; các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, bản chưa được bố trí vốn để đầu tư xây dựng đồng bộ… Các chỉ tiêu trên đều thấp hơn nhiều so với quy định. Muốn hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường, huyện Mường Chà cần vượt qua được phong tục tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường tuyên truyền để nâng cao trình độ dân trí… nên khó có thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Ngoài các tiêu chí trên, các tiêu chí còn lại như: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, chợ, nhà ở dân cư… cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với cấp ủy, chính quyền huyện Mường Chà. Hoàn thiện 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới là một lộ trình dài, cần sự quan tâm đầu tư của các cấp ngành, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của cả hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của người dân trên địa bàn huyện Mường Chà.

Bài, ảnh: Hải Phong
Bình luận
Back To Top