Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển hạ tầng

09:34 - Thứ Năm, 29/06/2017 Lượt xem: 7082 In bài viết
ĐBP - Với việc huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như sự đóng góp của các tổ chức và nhân dân, những năm qua hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã từng bước được hoàn thiện. Các dự án quan trọng về giao thông, thủy lợi, điện, nước, trường học, trụ sở làm việc, cơ sở y tế... được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn, những năm qua tỉnh ta đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư và xúc tiến đầu tư; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để tạo môi trường pháp lý ổn định cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2016, tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động đạt hơn 41.000 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ.

 

Bằng nguồn vốn tái định cư thủy điện Sơn La, đến nay TX. Mường Lay đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng.

Xác định hạ tầng giao thông có vị trí trọng yếu đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Trung ương, Bộ Giao thông - Vận tải, UBND tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông làm giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đến nay, toàn tỉnh có 502/597km quốc lộ được cải tạo, nâng cấp đảm đương được vai trò kết nối giao thông các vùng trong tỉnh với các khu vực lân cận và Trung ương; hoàn thành đầu tư 3 tuyến tỉnh lộ và 1 đường vành đai biên giới với tổng chiều dài 198,7km. Hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được phát triển mở rộng với tổng chiều dài đạt 4.674km (tăng 843km so với năm 2010). Đã có 128/130 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 116/130 xã đi lại được quanh năm. Bên cạnh phát triển đường bộ, đường hàng không cũng đã được Trung ương, các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm và sẽ triển khai nâng cấp sân bay trong thời gian tới.

Cùng với hạ tầng giao thông, những năm gần đây, việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị cũng được tỉnh tập trung đẩy mạnh, tạo diện mạo đô thị mới, góp phần phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Giai đoạn 2011 - 2015, bằng nguồn vốn Tái định cư thủy điện Sơn La đã cơ bản hoàn thành hạ tầng đô thị TX. Mường Lay; hạ tầng đô thị khu tái định cư Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ). Tích cực triển khai đầu tư các dự án thu gom xử lý rác thải tại các đô thị, dự án xử lý nước thải tại thành phố, góp phần xây dựng các đô thị theo tiêu chí xanh - sạch - đẹp. Đến nay có 7/10 trung tâm huyện lỵ cơ bản được đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch được phê duyệt, tạo diện mạo khang trang. Ngoài ra, hạ tầng về du lịch, giáo dục... cũng được quan tâm đầu tư, góp phần chung trong sự phát triển của toàn tỉnh.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết: Để có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như hiện nay, những năm qua tỉnh ta đã thực hiện tốt công tác huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong thu hút và sử dụng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Đó là việc Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước nhưng hệ quả là nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng của tỉnh gặp khó khăn; sức mua của thị trường giảm sút, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho nhiều; đời sống của người lao động bị ảnh hưởng. Cùng với đó là công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa cân đối vững chắc các nguồn lực và hiệu quả đầu tư. Nguồn lực đầu tư còn phân tán, chưa tạo được bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế...

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh ta là tạo sự đột phá ở một số lĩnh vực: phát triển hạ tầng đô thị, bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo; phấn đấu đạt tỉnh phát triển trung bình trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu hoàn thành việc đầu tư nâng cấp hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ và Cảng Hàng không Điện Biên Phủ theo quy hoạch, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được quanh năm, 100% đường huyện và 50% đường cấp xã được cứng hóa; 100% số xã có điện lưới quốc gia, trên 98% số hộ dân được sử dụng điện... Hoàn thành các Đề án đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên và đề án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh bán trú dân nuôi, đảm bảo trên 90% phòng học, nhà ở nội trú được kiên cố hóa. Hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch TP. Điện Biên Phủ, triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 đưa TP. Điện Biên Phủ đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; 30% số xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới (15 - 19 tiêu chí). Để thực hiện được các mục tiêu này cần khai thác tốt hơn các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, kết hợp với ngân sách địa phương; xây dựng các giải pháp huy động có hiệu quả sức đóng góp của nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các công trình hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 phê duyệt, quá trình xây dựng các chương trình, dự án cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, báo cáo đề xuất kịp thời để tăng cường nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án đặc thù của tỉnh. Đồng thời tập trung khai thác các nguồn vốn trái phiếu, ODA cho các dự án giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp và y tế trên địa bàn tỉnh. Nhất là đối với các dự án giao thông trọng điểm đã dự kiến đầu tư trong giai đoạn trước nhưng chưa triển khai được do chưa huy động được nguồn vốn như quốc lộ 279 (đoạn Điện Biên - Tây Trang).

Cũng theo ông Hoàng Tiến Dũng: Cùng với tích cực khai thác các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,  tỉnh ta cần triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư; bám sát chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương để đề nghị bố trí nguồn vốn kịp thời cho các chương trình dự án trọng điểm.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top