Không để thiếu hàng trong mùa mưa bão

09:07 - Thứ Sáu, 21/07/2017 Lượt xem: 6767 In bài viết
ĐBP - Nhằm chủ động cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân, đặc biệt người dân tại địa bàn vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa lũ, từ đầu tháng 3, Sở Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại; phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị, thành phố; chi cục quản lý thị trường về việc phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các kế hoạch triển khai dự trữ hàng hóa trên cơ sở chủ động, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời có hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; thực hiện có hiệu quả công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; Sở đã đề nghị các đơn vị liên quan tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016; xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2017 sát với thực tế. Đặc biệt rà soát xây dựng, bổ sung nội dung phương án “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ), “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cảnh báo, thông báo thường xuyên để chủ động bảo vệ tài sản và con người. Đến thời điểm này, ước giá trị dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai trên 18 tỷ đồng. Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như: Mỳ ăn liền (45.000 thùng); 180 tấn gạo; 1.000 thùng nước đóng chai; 2.000 tấm lợp tôn…

 

Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 10 kiểm tra hàng hóa tại các cửa hàng tạp hóa xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Văn Quyết

Là một trong những đơn vị được Sở Công Thương chỉ đạo phải đảm bảo về xăng dầu, Công ty Xăng dầu Điện Biên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nam Linh Trang và các công ty xăng dầu đã đề nghị các đại lý, cửa hàng của công ty đảm bảo cung ứng nguồn hàng, bán đúng giá quy định; sẵn sàng cùng cấp xăng dầu cho các vùng có nguy cơ ảnh hưởng nặng do thiên tai, lũ lụt ngay trong thời tiết bất lợi, không có điện. Đồng thời, có kế hoạch dự trữ xăng dầu cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa có khả năng bị chia cắt. Từ đầu mùa mưa, Công ty Xăng dầu Điện Biên đã chủ động dự trữ hàng trăm mét khối xăng, dầu diezel và dầu hỏa.

Đối với Công ty Điện lực tỉnh, Chi nhánh Lưới điện cao thế miền Bắc và các nhà máy thủy điện cũng đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lũ bão tại đơn vị. Xây dựng các phương án phòng chống lũ bão giảm nhẹ thiên tai trong quá trình vận hành. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra lại các đường dây tải điện, đảm bảo cung ứng điện. Các nhà máy thủy điện cũng đã xây dựng kế hoạch, lên phương án phòng chống lũ, lụt bão cho vùng hạ du và phương án bảo vệ đập; diễn tập tình huống phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ lưu.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tưởng, với phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thị, thành phố, Sở chỉ đạo đơn vị phải chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa; phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân thực hiện tốt công tác chủ động dự phòng tại chỗ, như: Lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm cần thiết. Với các chi cục quản lý thị trường, nhất định phải phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường về tổ chức dự trữ hàng hóa phục vụ mùa mưa lũ; đồng thời có phương án kiểm soát hàng hóa khi xảy ra ách tắc giao thông. Chỉ đạo các đội quản lý thị trường liên tục kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá cả, chất lượng hàng hóa, đặc biệt các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.

Mặc dù đã chủ động không để thiếu hàng hóa trong mùa mưa bão năm 2017, song theo báo cáo của Sở Công Thương thì việc dự trữ hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại có quy mô nhỏ nên chỉ tổ chức dự trữ các mặt hàng lưu thông bình thường. Bởi nếu dự trữ cao sẽ không có vốn, chính sách hỗ trợ chưa có. Ông Nguyễn Văn Tưởng, cho rằng: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, nhất là việc dự trữ hàng hóa phục vụ người dân, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp. Có như thế, người dân mới có thể đảm bảo cuộc sống cũng như trong sinh hoạt khi lũ lụt.

Quang Long
Bình luận
Back To Top