Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

08:59 - Thứ Tư, 09/08/2017 Lượt xem: 7141 In bài viết

ĐBP - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Điện Biên hiện có 4.108 hội viên, sinh hoạt ở 29 chi hội. Những năm qua, Hội đã làm tốt công tác tập hợp hội viên, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt trong phong trào xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Hội CCB huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm đầu tư phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.

Do đó, trong những năm qua, toàn huyện đã có hàng trăm mô hình trang trại, gia trại do hội viên CCB làm chủ, góp phần xóa đói giảm nghèo; cụ thể hóa chương trình, hoạt động công tác hội bằng những việc làm cụ thể. Không chỉ tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ngân hàng, cho vay qua quỹ hội. Mà hội còn được hỗ trợ cây, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Từ những hỗ trợ gắn liền với sản xuất, đã góp phần thúc đẩy phong trào CCB phát triển kinh tế, thu nhập hàng năm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Huyến (bên trái) vận hành máy ấp trứng gia cầm.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Huyến, đội 3, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) phát triển kinh tế gia đình theo mô hình VAC, chăn nuôi đa dạng, mỗi năm thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng. Ngoài sản xuất lúa ruộng đáp ứng nhu cầu lương thực, gia đình ông còn tập trung sản xuất 2.000m2 các loại rau trái vụ cho thu nhập cao. Ngoài sản xuất rau trái vụ, ông Huyến còn chú trọng đến các loại rau cao cấp như: đậu Hà Lan, xúp lơ xanh, trắng... Nắm bắt nhu cầu thị trường, nên trong những năm gần đây ông còn tập trung phát triển mô hình cá - vịt. Hiện diện tích ao của gia đình 4.000m2, chuyên thả các loại cá: rô phi đơn tính, trắm, chép nuôi theo hình thức bán công nghiệp.

Tận dụng nguồn nước và mặt ao, ông đầu tư xây hệ thống chuồng kiên cố hai bên bờ kết hợp nuôi vịt đẻ trứng; gần 2.000 con vịt thương phẩm và vịt đẻ trứng, có thời điểm thu trên 1.000 quả trứng/ngày. Ông mua máy ấp luân phiên và bán con giống.

Khác với CCB Nguyễn Văn Huyến, với phương châm phát triển kinh tế theo nhu cầu, thị trường cần, mình có, từ hướng đi ấy hội viên CCB Nguyễn Văn Điện, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông Điện về Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp) mua giống thanh long ruột tím đem về trồng. Thanh Long ruột tím chăm sóc đơn giản, lại hợp khí hậu thổ nhưỡng Điện Biên nên sai quả, có vị ngọt đậm; mỗi gốc cho thu hoạch từ 30 - 50kg quả, với giá bán 25.000 đồng/kg nhân với 300 gốc thanh long hiện đang cho thu hoạch, mỗi vụ ông Điện thu về gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, ông Điện còn nuôi thêm trên 100 tổ ong mật, mỗi năm cho thu trên 1.000 lít mật. Một số chủ trang trại thấy trồng thanh long ruột tím hiệu quả, nên đã mua giống thanh long của ông để trồng. Trong những năm trở lại đây, loại thanh long này mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với thanh long ruột trắng, được giá cao hơn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Với vai trò là cầu nối để CCB được tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội; thông qua hoạt động tín dụng ủy thác, hiện Hội CCB huyện Điện Biên đang quản lý trên 42 tổ vay vốn, với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng. Không chỉ là cầu nối để giúp hội viên CCB thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu; mà trong những năm qua, các cấp hội đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông - khuyến ngư mở hàng trăm lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Thành Đạt
Bình luận
Back To Top