Tuần Giáo nỗ lực xóa đói giảm nghèo

08:55 - Thứ Năm, 10/08/2017 Lượt xem: 6662 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vượt khó của cấp ủy, chính quyền và nhân dân; công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) của huyện Tuần Giáo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo từ 54,8% (năm 2011) đến nay giảm còn 52,3% (theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều); tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 14,2% (năm 2011) lên 16%; GDP bình quân tăng từ 11 triệu đồng/người/năm lên 17,36 triệu đồng/người/năm...

Cùng với việc kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững từ huyện đến cơ sở, huyện Tuần Giáo phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan phòng, ban, thành viên ban chỉ đạo; phân công các cơ quan, đơn vị phụ trách theo dõi, giúp các xã đặc biệt khó khăn, đồng thời tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác XĐGN từ huyện đến cơ sở. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn đã xây dựng Nghị quyết chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 - 2015, định hướng 2020. Hàng năm, Ban Chỉ đạo của huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kế hoạch làm cơ sở đánh giá tình hình thực hiện; thường xuyên kiểm tra đôn đốc tiến độ triển khai các dự án, mô hình XĐGN. Công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị quyết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được UBND huyện quan tâm chỉ đạo với hình thức đa dạng, phong phú giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện nhận thức đầy đủ hơn vai trò, vị trí của công tác giảm nghèo; để người nghèo ý thức tự vươn lên thoát nghèo...

 

Người dân bản Đề Chia A, xã Pú Nhung trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây dứa.

Trở lại Pú Nhung vào những ngày đầu tháng 8, chúng tôi cùng đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Vừ Chờ Lềnh đến thăm bản Đề Chia A - nơi đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Chứng kiến những cánh đồng ngô, mía sạch cỏ, xanh ngút ngàn mới thấy sự cần cù, chịu thương chịu khó cũng như tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người dân nơi đây. Trong câu chuyện với ông Lềnh chúng tôi được biết, bản Đề Chia A có gần 80 hộ, 100% là người Mông. Nếu như những năm 2000 trở về trước hầu như các gia đình trong bản đều thuộc hộ nghèo thì giờ đây đời sống người dân đã được cải thiện hơn rất nhiều. Thấp thoáng dưới những tán rừng, vườn cây là những ngôi nhà mái lợp mái tôn chắc chắn. Hộ nào cũng có xe máy, ti vi, trẻ con được đến trường đúng độ tuổi. Cả bản chỉ còn hơn 20 hộ nghèo. Trời đã gần trưa, lác đác một số hộ đã có người đi làm về. Đến thăm gia đình ông Vừ Nhìa Páo - một trong những hộ đi đầu chuyển đổi cây trồng vật nuôi, vừa hay ông Páo cùng vợ và 2 con đi làm cỏ dứa mới về. Tâm sự với chúng tôi, ông Páo nhớ lại những năm trước đây điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nuôi được con lợn, con gà, trồng được ít ngô, ít thóc muốn bán đều phải gùi ra tận chợ huyện vì giao thông cách trở, tư thương không vào bản. Nhưng gần chục năm trở lại đây có điện thắp sáng, bà con được tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật, biết áp dụng các giống cây, con mới mang lại hiệu quả kinh tế cao thông qua các phương tiện thông tin truyền thông; đường ô tô vào trung tâm xã, thương lái vào tận nương, bản thu mua nông sản. Gia đình tôi trước kia chăm chỉ làm đến mấy cũng chỉ đủ ăn nhưng từ năm 2014 trở lại đây chuyển toàn bộ diện tích đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng mía và trồng dứa đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần trồng ngô. Hiện nay, ngoài trồng 4 vạn gốc dứa, gia đình tôi còn kết hợp chăn nuôi gà thả vườn và vịt trời tạo nguồn thu ổn định trên 80 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả kinh tế cao nhiều người trong bản làm theo, hiện cả bản có khoảng hơn 30ha dứa...

Ngoài gia đình ông Páo ở bản Đề Chia A, có nhiều hộ nghèo trong huyện đã biết khai thác tiềm năng thế mạnh vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Tiêu biểu như gia đình chị Bạc Thị Hoan, khối Đồng Tâm, thị trấn Tuần Giáo. Năm 1992 gia đình chị nhận khoanh nuôi bảo vệ gần 30ha rừng; từ đó đến nay ngoài trồng thêm các loại cây gỗ, như: mỡ, thông, keo gia đình chị còn kết hợp trồng 4ha măng bát độ, trồng cây ăn quả (bưởi, xoài...); chăn nuôi lợn, gà, cá tạo thu nhập ổn định cho gia đình trên 150 triệu đồng/năm.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và triển khai đồng bộ các giải pháp mà công tác XĐGN của huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Cơ sở hạ tầng (công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn...) được quan tâm đầu tư; chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện và nâng lên, đặc biệt là các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 18/18 xã có đường ô tô (trong đó, 16/18 xã có đường ô tô đi lại quanh năm); 14.242 hộ dân được dùng điện; 45 trường học đạt chuẩn quốc gia. Trong 5 năm qua, huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 4.912 lao động nông thôn, tạo việc làm cho 4.810 lao động. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xã nghèo, hộ nghèo và an sinh xã hội. Ban Chỉ đạo Giảm nghèo huyện đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai cho 22.781 lượt người nghèo vay vốn ưu đãi. Huyện cũng đã hỗ trợ 213.322kg giống các loại với tổng giá trị 6,7 tỷ đồng; cấp 317.072 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn; tổ chức 61 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 3.039 lượt cán bộ khuyến nông; xây dựng 24 mô hình phát triển sản xuất cho 577 hộ với tổng kinh phí thực hiện 4,3 tỷ đồng...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top