Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

13:50 - Thứ Sáu, 11/08/2017 Lượt xem: 7710 In bài viết
Kinh tế đang trên đà hồi phục, nhưng chưa thể quá lạc quan bởi tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu đề ra. Từ nay đến hết năm 2017 thời gian không còn nhiều và áp lực đặt ra ngày càng lớn. Để đạt mục tiêu hoàn thành kế hoạch tăng trưởng, cần sự nỗ lực rất lớn của cả xã hội; cộng đồng doanh nghiệp cần được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tạo sự bứt phá.

Doanh nghiệp mong muốn giảm chi phí

Mặc dù môi trường đầu tư - kinh doanh đã, đang được cải thiện, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của doanh nghiệp so với trước đây, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mong mỏi, nhu cầu chính đáng của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nổi lên vấn đề chi phí của doanh nghiệp vẫn đang ở mức cao, dẫn đến hạn chế sức cạnh tranh, nhất là xét trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, với mức độ cạnh tranh gay gắt.

 

Giảm thời gian, thủ tục khi thông quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là khâu thực hiện các chính sách, nội dung cải cách của cấp điều hành vĩ mô để phục vụ doanh nghiệp; chính sách phải chuyển biến thành hành động thực tế, bảo đảm để doanh nghiệp được hưởng những điều kiện thuận lợi nhất. Ở đây cần hành động thực chất, chuyển động đồng bộ, nhằm hướng tới việc cắt giảm các loại chi phí của doanh nghiệp. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần chủ động vào cuộc, tiếp tục rà soát, phát hiện, bãi bỏ những quy định không cần thiết, hạn chế tối đa số lần kiểm tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng nên tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp khi nghiên cứu, ban hành văn bản, đồng thời cần thành lập một cơ quan độc lập để theo dõi, đánh giá, giám sát hiệu quả công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì có 5.719 điều kiện kinh doanh có khả năng biến hóa thành “giấy phép con”, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vấn đề này cần phải được rà soát, phát hiện để từng bước điều chỉnh, cắt giảm. Thực tế này cũng cho thấy, vẫn còn không ít dư địa cho cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo VCCI, chỉ cần giảm số lần kiểm tra chuyên ngành khi thông quan hàng hóa thì doanh nghiệp sẽ giảm được hàng vạn ngày công lao động cũng như các chi phí phát sinh. Như vậy, rõ ràng, dù thủ tục đã cải thiện hơn trước, nhưng vẫn còn rườm rà, phức tạp, bất hợp lý.

Đến nay, chi phí cho trả lương và an sinh xã hội vẫn được coi là cao (chiếm 34,5% doanh thu) so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và cao hơn so với doanh nghiệp các nước trong khu vực. Mức chi phí đó đã làm hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, điều này gây khó cho doanh nghiệp, từ đó sẽ ảnh hưởng bất lợi với nền kinh tế. Các chuyên gia cũng đồng thuận rằng, các ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu thực tế này, tìm phương án giải quyết phù hợp, trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên, nhất là với doanh nghiệp và người lao động.

Vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định, năm 2017 phải là năm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, trên cơ sở rà soát, xóa bỏ mọi rào cản, quy định, chi phí bất hợp lý. Quan điểm chỉ đạo là giảm chi phí để doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, từ đó hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế quốc dân. Theo đó, các bộ, chính quyền địa phương phải tập trung nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý để đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp phàn nàn về vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của bộ nào thì bộ trưởng phải xem lại ngay, kịp thời nắm tình hình và tìm cách giải quyết; tạo ra sự chuyển biến rõ rệt, liên tục ngay trong mỗi cơ quan bằng tinh thần tự giác, cầu thị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, mỗi đơn vị cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin hợp lý để nâng cao hiệu quả quản lý cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch. Mục tiêu là giảm nhanh, tối đa những vướng mắc, không gây ra những phản cảm, bức xúc cho phía doanh nghiệp.

Bộ Giao thông - Vận tải được giao nhiệm vụ nghiên cứu phương án, cách làm hợp lý để kịp thời giảm chi phí cho doanh nghiệp trong vận tải hàng hóa khi thông quan tại Hải Phòng; đồng thời phải tối ưu hóa, nâng cao công suất hoạt động của Cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Tương tự, các bộ, ngành khác cũng phải thường xuyên rà soát, kịp thời sửa đổi, rút gọn các công đoạn, biện pháp quản lý theo hướng hiệu quả, đặt lợi ích của doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ trong quá trình thực thi công vụ.

Thực tế trên cho thấy, những nội dung chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhằm mang đến sự thay đổi tích cực hơn nữa cho hoạt động của doanh nghiệp.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top