Công tác trồng rừng phòng hộ năm 2017

Thành công hơn cả mong đợi

08:44 - Thứ Hai, 14/08/2017 Lượt xem: 6655 In bài viết

ĐBP - Năm 2017, tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu trồng 113ha rừng phòng hộ. Trong đó: Huyện Điện Biên 20ha; Tuần Giáo 33ha; Mường Nhé 20ha; Tủa Chùa 20ha và Mường Chà 20ha. Sau khi có kế hoạch của tỉnh, UBND các huyện chủ động xây dựng kế hoạch trồng rừng phòng hộ cho từng xã, phường, thị trấn và chỉ đạo các đơn vị chuyên môn. Nhờ sự chủ động, linh hoạt trong các khâu, tháng 6/2017, công tác chuẩn bị trồng rừng đã hoàn tất. Sang tháng 7, các địa phương triển khai trồng tập trung. Tính đến ngày 31/7/2017, toàn tỉnh đã trồng được 300,79ha rừng phòng hộ, đạt 266% so với kế hoạch. Trong đó: Huyện Mường Nhé trồng 203ha (vượt 183ha so với kế hoạch); huyện Điện Biên trồng 25,09ha (vượt 5,09ha so với kế hoạch); các huyện còn lại hoàn thành 100% kế hoạch.

 

Người dân bản Phăng 1, xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) trồng rừng phòng hộ theo kế hoạch năm 2017.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: 2017 - một năm đầy khó khăn trong công tác trồng rừng, nhất là trồng rừng phòng hộ. Song bằng sự nỗ lực, cố gắng và quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện, tỉnh ta đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra. Nói năm nay là năm nhiều khó khăn bởi vì, kế hoạch trồng rừng được UBND tỉnh giao từ đầu tháng 12/2016 theo Quyết định số 1527/QĐ-UBND, ngày 10/12/2016 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2017, tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, đến 31/7/2017 - ngày cuối cùng của mùa trồng rừng, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 658/QĐ-UBND quyết định phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp năm 2016 kéo dài sang năm 2017 tỉnh Điện Biên để các địa phương thực hiện. Cùng với đó, các khó khăn như: Thiếu quỹ đất trồng rừng tập trung, người dân chưa mặn mà với công tác trồng rừng phòng hộ… luôn thường trực đối với các đơn vị chuyên môn trong quá trình triển khai trồng rừng. Song, các đơn vị không thụ động chờ đợi nguồn vốn mà linh hoạt triển khai các phương án, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân để hoàn thành kế hoạch giao.

Năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên chịu trách nhiệm trồng mới 20ha rừng phòng hộ tại 2 xã: Nà Tấu và Mường Pồn (huyện Điện Biên). Thực hiện kế hoạch trồng rừng, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên đã chủ động phối hợp với chính quyền 2 xã: Nà Tấu và Mường Pồn tập trung rà soát nhu cầu, đến từng bản, từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng. Sau khi có danh sách các hộ đăng ký trồng rừng, Ban cử cán bộ phụ trách xã tổ chức đo đếm diện tích từng hộ dân; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây giống. Trong tháng 5/2017, Ban tổ chức cho người dân đào hố, phát cây giống và trồng tập trung trên diện tích đăng ký. Đến 31/7, Ban đã trồng vượt 5,09ha so với kế hoạch và đang tổ chức cho người dân trồng dặm đợt 1. Ông Hà Lương Hồng, nguyên Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên (đã chuyển công tác từ 1/7/2017 - PV) cho biết: Trong bối cảnh nguồn vốn thường xuyên phân bổ chậm, đơn vị đã chủ động, linh hoạt phối hợp với UBND 2 xã: Nà Tấu và Mường Pồn vận động, tạo sự đồng thuận từ người dân để triển khai công tác trồng rừng phòng hộ, nếu chờ khi vốn phân bổ về mới triển khai thì không thể kịp mùa vụ. Bên cạnh đó, Ban có lợi thế là quy trình trồng rừng, từ khâu lập kế hoạch, khảo sát, tư vấn thiết kế đến triển khai trồng đều do cán bộ của Ban thực hiện không phải tốn kinh phí thuê các đơn vị ngoài như các huyện, thị xã trên địa bàn. Đồng thời, cây giống để cung cấp cho người dân trồng rừng do đơn vị tự sản xuất được, không phải ký hợp đồng mua cây giống, tốn chi phí vận chuyển… Nhờ đó, năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành kế hoạch trồng rừng phòng hộ.

Những năm trước, đa phần các hộ dân không mấy “mặn mà” với công tác trồng rừng phòng hộ bởi suất đầu tư đối với trồng rừng phòng hộ thấp. Đơn cử như, năm 2016, suất đầu tư 1ha rừng phòng hộ trồng mới là 15 triệu đồng/ha/4 năm. Tuy nhiên, năm 2017, suất đầu tư 1ha rừng phòng hộ trồng mới là 60 triệu đồng/ha/4 năm, nguồn lợi người tham gia trồng rừng tăng nên số lượng hộ đăng ký trồng rừng nhiều và tập trung hơn. Đây là một lý do góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành kế hoạch trồng rừng phòng hộ năm 2017. Ông Lò Văn Hương, bản Cang, xã Nà Tấu cho biết: Những năm trước, suất đầu tư đối với công tác trồng rừng phòng hộ thấp, nguồn thu từ trồng rừng ít nên tôi không đăng ký tham gia. Năm nay, suất đầu lớn hơn, nguồn lợi thu về nhiều hơn nên tôi đăng ký trồng mới 1,4ha rừng phòng hộ. Ví dụ, năm 2016, suất đầu tư 1ha rừng phòng hộ là 15 triệu đồng/ha/4 năm, hết năm thứ nhất, người dân chỉ nhận được khoảng 5 triệu đồng tiền công trồng, chăm sóc, bảo vệ. Năm 2017, suất đầu tư 60 triệu đồng/ha/4 năm, kết thúc năm thứ nhất, người dân nhận về 18 - 20 triệu đồng. Hiện nay, người dân trong bản cơ bản ít làm nương, nếu nguồn lợi từ trồng rừng phòng hộ lớn, xứng đáng với công sức, thời gian bỏ ra thì không chỉ tôi mà nhiều hộ dân trong bản đều hào hứng tham gia.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top