Thúc đẩy "cỗ máy" xuất khẩu tăng trưởng

10:35 - Thứ Hai, 14/08/2017 Lượt xem: 6392 In bài viết
Xuất khẩu đang trên đà tăng tốc trong nửa sau của năm kế hoạch 2017. Riêng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xu hướng gia tăng kim ngạch xuất khẩu đang là một hiện thực, đóng góp quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung...

Tận dụng cơ hội phát triển

Tính chung 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt hơn 115 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng rất cao, vượt trội so với chỉ tiêu yêu cầu. Đây cũng là diễn biến mới, bởi ít có cùng thời điểm nào của các năm trước mà kết quả xuất khẩu khả quan như vậy. Hầu hết các mặt hàng quan trọng đều có mức tăng cao so với cùng kỳ, như điện thoại, máy tính và linh kiện, giày dép, thủy sản, máy móc, thiết bị và phụ tùng, dệt may...

 

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu gia tăng càng chứng tỏ vai trò, tầm quan trọng là động lực quan trọng của nền kinh tế, là đầu ra cho sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đáng ghi nhận, đến nay đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, trong đó có tới 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt 200 tỷ USD và sẽ xác lập một kỷ lục mới.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá trị xuất khẩu vào các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam ngày càng tăng và điều đó cho thấy doanh nghiệp trong nước đã biết tận dụng cơ hội tốt hơn so với thời gian trước.

Đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại thị trường gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chủ yếu tập trung vào một số thị trường giàu tiềm năng, sức mua cao như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN. Cơ cấu hàng xuất khẩu có sự chuyển biến, thay đổi tích cực, theo hướng tăng dần tỷ trọng của nhóm hàng đã qua chế biến sâu và điều đó hoàn toàn phù hợp với định hướng thực hiện công nghiệp hóa nền kinh tế. Đơn cử, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã chiếm tới 80,4% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm.

Song, phải xác định rằng hoạt động xuất khẩu còn tiềm ẩn những yếu tố chưa bền vững, cần khắc phục. Đó là, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước mới chiếm tỷ trọng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, tính gia công còn khá lớn và thực trạng hàng nông sản xuất khẩu thô, hoặc chưa có thương hiệu đang làm giảm giá trị gia tăng.

Tập trung thúc đẩy xuất khẩu

Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Về phía mình, mỗi đơn vị cần chủ động nắm tình hình, nhất là cơ hội để tăng cường xuất khẩu bằng cách mở rộng quy mô, sản lượng kết hợp với nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa. Doanh nghiệp cũng nên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ chuyên trách về pháp lý và cạnh tranh để tự bảo vệ mình trong giao thương quốc tế, đối phó với khiếu kiện, tranh chấp thương mại. Ngoài ra, các đơn vị cũng nên nghiên cứu tìm hiểu các quy định và ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký để vận dụng, gia tăng lợi ích tối đa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt "Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng tới năm 2030". Mục tiêu là nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông - thủy sản chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay; tăng tỷ trọng xuất khẩu nông - thủy sản xuất khẩu vào thị trường các nền kinh tế phát triển như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 8%/năm từ 2016 đến 2020. 

Chính phủ khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu phù hợp với từng thị trường và năng lực của doanh nghiệp; tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài và chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Bộ Công Thương, chính quyền các địa phương sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thắt chặt mối liên kết giữa đơn vị cung ứng nguyên liệu đầu vào với đơn vị sản xuất, bảo đảm vận hành suôn sẻ giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - bảo quản - phân phối - tiêu thụ cũng như quan hệ giữa nhà nông - nhà nước - nhà khoa học trong sản xuất nông nghiệp và giữa doanh nghiệp "nội" với doanh nghiệp "ngoại"...

Riêng hoạt động sản xuất nông nghiệp được định hướng theo cách chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn, ứng dụng thành tựu khoa học và bảo đảm chất lượng “xanh - sạch” để nâng cao giá trị xuất khẩu. Từ đó, từng bước đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất và xuất khẩu nông sản trên cơ sở phát triển nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó là một giải pháp mang tính truyền thống, nhưng sẽ được tập trung đổi mới phương thức thực hiện theo hướng linh hoạt và đa dạng hơn, gồm hoạt động xúc tiến thương mại, trao đổi và phân tích thông tin thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống kết hợp kiếm thị trường mới, thị trường ngách...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top