Một số công trình thủy lợi vừa và nhỏ chưa phát huy hiệu quả

08:47 - Thứ Tư, 16/08/2017 Lượt xem: 7904 In bài viết
ĐBP - Từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã đầu tư xây mới, nâng cấp và sửa chữa gần 467 công trình thủy lợi với tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng, nâng tổng số thủy lợi trong toàn tỉnh lên 870 công trình.
 

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng nên Thủy lợi Xuân Ban, bản Ban, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, sử dụng, một số công trình thủy lợi chưa phát huy hiệu quả, năng lực tưới tiêu thực tế thấp hơn so với công suất của công trình. Qua kiểm tra của đoàn giám sát HĐND tỉnh, có 37/467 công trình hiệu quả tưới thực tế đạt dưới 50% công suất thiết kế; 26 công trình hiệu quả tưới thực tế đạt từ 50 - 70% công suất thiết kế. Có công trình sau đầu tư chỉ phục vụ cho một số ít người, chưa phục vụ cộng đồng. Đơn cử như công trình Thủy lợi Nậm Núa (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên) theo thiết kế tưới cho 150ha lúa vụ mùa và 60ha lúa vụ chiêm, nhưng hiện mới chỉ tưới cho hơn 43ha lúa 2 vụ; công trình Thủy lợi Huổi Un (xã Mường Pồn) theo thiết kế tưới cho 174ha lúa vụ mùa và 40ha lúa vụ chiêm, nhưng đến nay mới tưới cho 2ha lúa 2 vụ; công trình Thủy lợi Nậm Pố (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) có công suất thiết kế tưới 180ha lúa vụ mùa và 60ha lúa vụ chiêm, nhưng cũng chỉ tưới cho 13,8ha lúa 2 vụ... Hay như thủy lợi Nậm Mu, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo được đầu tư xây dựng từ năm 2011, với tổng nguồn vốn hơn 22 tỷ đồng. Theo thiết kế ban đầu, công trình sẽ cung cấp nước tưới cho 50ha ruộng của xã Rạng Đông. Đến năm 2014 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả; thậm chí nhiều tuyến kênh đã bị đất đá vùi lấp. Nguyên nhân dẫn đến công trình không hiệu quả là do sai sót trong khâu khảo sát thiết kế công trình, lưu lượng nước không đủ để máy bơm hoạt động… Bên cạnh đó, có công trình có đủ khả năng về nước, đất nhưng người dân không khai hoang, không tăng vụ, vì vậy cũng liệt vào danh sách công trình thủy lợi kém hiệu quả.

Ông Trần Hà Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo Quyết định số 15/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 4/8/2010 quy định phân cấp quản lý khai thác và bảo vệ công trình trên địa bàn tỉnh, các công trình thủy lợi có chiều cao thân đập dưới 12m, diện tích tưới dưới 30ha, dung tích lòng hồ dưới 500.000m3 được phân cấp cho cấp huyện quản lý. Mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định bàn giao các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng về các huyện, thành phố trực tiếp quản lý khai thác và bảo vệ; các địa phương lại giao nhiệm vụ này cho cấp xã thực hiện thông qua hình thức thành lập các hợp tác xã hay các tổ quản lý, vận hành điều tiết nước. Tuy nhiên, chính những mô hình mà các xã áp dụng đã xuất hiện những tồn tại hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi. Thực tế cho thấy, các mô hình quản lý thủy nông ở các xã chưa thực sự hoạt động tốt, nhiều nơi còn mang tính hình thức, thậm chí còn giao trực tiếp cho các thôn, bản tự quản lý, khai thác, trong khi đội ngũ cán bộ trong các tổ chức thủy nông cơ sở đều hạn chế về trình độ quản lý khai thác, chưa được đào tạo bài bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng khác đó là ý thức của người dân trong việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi còn hạn chế, người dân nhiều khi còn đục khoét cả kênh mương dẫn nước về ruộng của gia đình mình. Từ đó, dẫn đến một số công trình hiệu quả khai thác chưa cao.

Cũng theo ông Trần Hà Sơn trong thời gian tới, Sở NN - PTNT sẽ phối hợp với UBND cấp huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu và thực sự làm chủ công trình; thực hiện bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình gắn trách nhiệm của người dân đối với công trình để nâng cao hiệu quả tưới, độ bền của công trình; từng bước đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, khai thác công trình thủy lợi cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; rà soát, đánh giá, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong quản lý khai thác và bảo vệ công trình sau đầu tư.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top