Nan giải “bài toán” đưa lao động đi làm việc ngoại tỉnh

08:47 - Thứ Năm, 17/08/2017 Lượt xem: 7102 In bài viết
ĐBP - Các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoại tỉnh được đánh giá là thị trường tiềm năng và được xác định là một trong những “chìa khóa” giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo ở Điện Biên. Tuy nhiên, để đưa lao động đến được các thị trường “tiềm năng” này vẫn là vấn đề nan giải…

Qua khảo sát, hiện các đơn vị, doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 38.700 lao động trên địa bàn tỉnh ta. Với nhiều ngành nghề, công việc, vị trí, như: Kỹ thuật viên, công nhân may, công nhân kỹ thuật hàn xì cơ khí; công nhân kỹ thuật khai thác mỏ, công nhân sản xuất trong nhà máy linh kiện điện tử; công nhân làm việc trong công trình xây dựng; nhân viên bán hàng… Trong đó, năm 2017 nhiều doanh nghiệp cần tuyển số lượng lớn đến cả hàng nghìn lao động, như: Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cần tuyển dụng 5.000 lao động; Công ty TNHH AAC TECHNOLOGIES cần tuyển 2.000 lao động; Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch Đằng (tỉnh Hải Dương) cần tuyển 300 lao động; Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu Như Quỳnh; Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiến - chi nhánh miền Bắc; Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam; Công ty Cổ phần Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội; Công ty Cổ phần Than Núi Béo - VINACOMI; Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Sơn La, Lai Châu và Trung tâm Dịch vụ việc làm - Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh; Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng; Công ty Cổ phần Xây dựng và Cung ứng nhân lực Quang Trung cùng một số doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động thông qua Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh.

 

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội Việc làm lần thứ II do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cuối tháng 5/2017.

Dù thị trường lao động ngoại tỉnh được đánh giá là tiềm năng nhưng phần vì hoàn cảnh khó khăn, phần vì tâm lý người lao động không muốn xa gia đình nên chưa mặn mà tham gia. Giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh có 861 lao động đã đi làm việc ngoại tỉnh. Trong đó, năm 2016 có 293 lao động làm việc tại Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam Thái Nguyên; 130 lao động được đào tạo và tuyển dụng vào Trường Cao đẳng Nghề Than - Khoáng sản; 27 lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Than Núi Béo (tỉnh Quảng Ninh); 13 lao động đi làm việc tại Công ty TNHH Fuhong Pcelision Compohent (thuộc Tập đoàn Hồng Hải ở tỉnh Bắc Giang).

Anh Lò Văn Nam, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đã tốt nghiệp khoa Công nghệ thông tin Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Khi thì giao hàng chuyển phát khi thì bốc vác, thợ hồ, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Hỏi vì sao không tìm cơ hội việc làm ở các khu công nghiệp ngoại tỉnh? Nam e dè trả lời, gia đình quá khó khăn nên chi phí đi lại nộp hồ sơ, đăng ký dự tuyển cũng tốn một khoản không nhỏ lại không biết chắc chắn có được nhận vào làm việc hay không? Phần cũng vì ngại xa gia đình nên dù biết thông tin tại các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên tuyển dụng nhiều vị trí việc làm với số lượng lớn, nhưng dùng dằng chưa nộp hồ sơ. Nam cho biết thêm, cuối tháng 5 vừa qua, tham gia Ngày hội Việc làm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức; được vài công ty tư vấn việc làm, hướng dẫn nộp đơn làm việc và nhận cả số điện thoại để liên hệ đầu mối nộp hồ sơ, nhưng đến giờ Nam vẫn chưa làm hồ sơ mà vẫn cố tìm việc gần nhà, dù biết rằng cơ hội để tìm được việc ổn định là vô cùng khó khăn.

 

Học sinh Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên đi làm việc theo hợp đồng của nhà trường với Công ty Cổ phần Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội.

Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh gặp không ít khó khăn. Một số lao động do hoàn cảnh kinh tế gia đình nên không có việc đi sơ tuyển hoặc đi làm việc. Vì khi đi làm việc phải chi phí lớn (tiền vé xe, trang bị ban đầu…). Một bộ phận người lao động không muốn xa gia đình hoặc người thân không muốn đi làm xa nhà nên số người đi làm việc ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoại tỉnh còn hạn chế.

Để hỗ trợ người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoại tỉnh, mới đây ngày 13/7/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 56 về việc quy định chính sách hỗ trợ tiền vé xe cho người lao động của tỉnh đi sơ tuyển, đi làm việc có tổ chức tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh (không bao gồm lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Với quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện hỗ trợ, nội dung và mức hỗ trợ khi tham gia sơ tuyển, khi đi làm việc có tổ chức; hỗ trợ tiền vé xe đưa, đón người lao động đi làm việc có tổ chức trong dịp Tết nguyên đán hằng năm... Chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực khuyến khích người lao động ở vùng sâu, vùng xa, lao động có hoàn cảnh khó khăn đăng ký tham gia chương trình tuyển dụng lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top