“Rào cản” trong phát triển cà phê bền vững

08:29 - Thứ Sáu, 18/08/2017 Lượt xem: 8368 In bài viết
ĐBP - Chương trình hành động phát triển cà phê bền vững giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Ảng đặt mục tiêu: Phát triển cà phê bền vững, tạo ra sản phẩm có chất lượng sạch, thân thiện với môi trường, có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ ổn định. Tạo vùng nguyên liệu tập trung, sạch; gắn vùng nguyên liệu với quy hoạch chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê; giải quyết lượng lớn lao động địa phương gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, toàn huyện phát triển ổn định 4.200ha, sản lượng bình quân 13.500 tấn cà phê trấu/năm; 75% diện tích vườn cà phê được xây dựng theo hướng cà phê sạch... Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế như hiện nay thì để thực hiện được những mục tiêu đó là vô cùng khó khăn và cần sớm có giải pháp tháo gỡ.

 

Nông dân xã Ẳng Nưa kiểm tra sâu bệnh trên cây cà phê.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, từ năm 2015 đến nay diện tích trồng mới cà phê Mường Ảng phát triển chậm lại, hầu như không năm nào đạt kế hoạch đề ra. Điều đó cũng dễ hiểu bởi giai đoạn này là thời điểm giá cà phê xuống thấp, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, đầu ra không ổn định. Phần lớn người trồng cà phê không có khả năng đầu tư tái mở rộng trồng mới. Hiện nay, toàn huyện có hơn 330ha cà phê già cỗi phải trồng tái canh nhưng phần vì đã vài năm liên tiếp giá xuống thấp không có tiền tái đầu tư phần vì muốn kéo dài chu kỳ kinh doanh để vớt vát đồng vốn nên người dân chưa thực hiện. Do cà phê chủ yếu tiêu thụ ở dạng cà phê trấu, chất lượng cà phê không đồng đều, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nên giá bán thấp. Cà phê chưa có thương hiệu, chưa được chứng nhận sản phẩm theo các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Việc chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan quy mô còn nhỏ. Trong khi về phía các doanh nghiệp chế biến chưa chủ động áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nâng cao chất lượng cà phê phục vụ xuất khẩu, mở rộng thị trường. Liên kết sản xuất chưa được thực hiện chặt chẽ, bền vững bằng hợp đồng, chưa tạo được thị trường tiêu thụ ổn định. Bởi thực tế, thị trường tiêu thụ chủ yếu do các công ty ở tỉnh Sơn La và miền Nam quyết định, tiêu thụ khó khăn do xa các khu chế biến tập trung, người dân bị ép giá, chịu thua thiệt. Trong khi khâu bảo quản, tạm trữ chưa thực sự được người dân quan tâm. Hầu hết các hộ dân tự tạm trữ, chưa có nhà kho đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa có hệ thống bảo quản duy trì chất lượng hạt cà phê. Hệ thống phân phối, quảng bá, tiếp thị sản phẩm chưa thành hệ thống, chưa được quan tâm phát triển.

Gia đình ông Lò Văn Hặc là một trong những hộ đi đầu khai thác diện tích đất đồi đưa vào trồng cà phê ở bản Noong Háng (xã Ẳng Cang). Ông Hặc cho biết: Những năm qua, cây cà phê đã giúp gia đình tôi có cuộc sống khấm khá, nhưng từ năm 2015 đến nay đã 3 vụ cà phê liên tiếp giá xuống thấp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, chi phí đầu tư. Để chắc ăn, chúng tôi thường bán cà phê tươi cho tư thương chứ không bán cà phê trấu. Vài năm trước, giá cà phê còn cao, bỏ công phơi phóng, sàng sẩy, đóng bao “ủ” hàng đợi giá nhưng do bảo quản chưa tốt nên chất lượng hạt cà phê trấu bị ảnh hưởng, khó bán, tư thương ép giá.

Để hỗ trợ sản xuất cà phê, không ít các chính sách của tỉnh, chính sách hỗ trợ huyện nghèo đến những chính sách chung về tín dụng, khuyến khích đầu tư, giảm tổn thất sau thu hoạch, xúc tiến thương mại... đã được triển khai thực hiện ở Mường Ảng. Cuối năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 25 về quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Chính sách này thực sự có rất nhiều điểm ưu đãi cho doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê. Tuy nhiên, để thực hiện được chính sách này thì quan trọng là doanh nghiệp và nông dân phải ký kết các hợp đồng liên kết. Song doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến cà phê là doanh nghiệp nhỏ chưa gắn với phát triển vùng nguyên liệu, giá cà phê luôn biến động theo thị trường thế giới; nông dân trồng cà phê chưa nhận thức rõ hình thức, lợi ích hợp đồng ký kết nên khi cà phê được giá, xảy ra hiện tượng tích trữ hàng đợi giá cao để bán chứ chưa thực sự muốn liên kết cùng doanh nghiệp... Vì vậy, khi giá cà phê xuống thấp, khó đầu ra, người trồng cà phê bị ảnh hưởng là điều khó tránh. Do đó, thay đổi tư duy của người dân về liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo phương châm “4 nhà” chính là một trong những yếu tố quan trọng để cà phê Mường Ảng phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top