Nông nghiệp huyện Điện Biên phát huy thế mạnh cây trồng chủ lực

08:50 - Thứ Sáu, 18/08/2017 Lượt xem: 9998 In bài viết
ĐBP - Với diện tích gieo cấy trên 4.800ha lúa vụ đông xuân và gần 6.400ha lúa vụ hè thu, huyện Điện Biên xác định cây lúa là cây lương thực chính trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Chính vì vậy, trong những năm qua, cùng với việc tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng vụ, huyện cũng xác định được bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày, có năng suất, chất lượng để thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn tại một số xã có điều kiện thuận lợi về địa hình và nguồn nước tưới tiêu. Vùng lúa chất lượng cao được huyện quy hoạch tập trung tại các xã vùng lòng chảo, đưa các loại giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả canh tác trên cùng một đơn vị diện tích. Năm 2016, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao toàn huyện đạt 6.154ha, chiếm 64% tổng diện tích gieo trồng lúa 2 vụ, giá trị tăng 20 – 25% so với sản xuất lúa thường. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 750 cơ sở xay xát, công suất chế biến bình quân 65 – 70 tấn/năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đáp ứng trên 40% nhu cầu thị trường mua ngoài huyện.

 

Nông dân xã Thanh Xương thu hoạch lúa đông xuân bằng máy gặt đập liên hoàn.

Cùng với cây lúa, huyện Điện Biên cũng xây dựng các vùng trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi và ngô hàng hóa. Tổng diện tích trồng ngô trên địa bàn năm 2016 đạt trên 4.640ha, sản lượng đạt gần 22.800 tấn. Ổn định thu nhập cho người sản xuất bình quân 25 – 30 triệu/ha (đối với ngô phục vụ chăn nuôi), 50 – 60 triệu đồng/ha (đối với ngô hàng hóa), từ đó nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, đã có một số hộ trồng ngô mạnh dạn đầu tư máy tách hạt, máy sấy để bảo quản sản phẩm ngô sau thu hoạch, phát triển theo hướng hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Nhờ phương thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều tiến bộ KHKT mới kịp thời ứng dụng trên địa bàn như: “1 phải 5 giảm”, “3 tăng 3 giảm”, IPM…  kết hợp với đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu đã từng bước thay đổi được phương thức, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của huyện Điện Biên. Điều đó thể hiện ở chỗ chỉ sau 5 năm (2011 - 2015), tổng sản lượng lương thực có hạt của toàn huyện tăng gần 10.000 tấn (từ 81.500 tấn lên trên 91.300 tấn), bình quân lương thực hiện nay đạt 790kg/người/năm.

Ngoài tập trung phát triển các cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp như lúa, ngô thì huyện Điện Biên cũng rất coi trọng phát triển các loại cây trồng địa phương có thế mạnh như: rau màu, cây ăn quả… Năm 2016, tổng diện tích trồng rau màu các loại trên địa bàn huyện đạt trên 2.460ha, tăng 64ha so với năm 2015, mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng rau. Cây ăn quả trên địa bàn huyện cũng khá đa dạng được trồng ở hầu hết các xã. Trong đó, huyện chú trọng cải tạo những vườn nhãn kém hiệu quả bằng cách ghép thay thế giống mới có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, huyện đã lựa chọn giống nhãn PHM 99 - 1.1 cho năng suất chất lượng tốt đưa vào ghép cải tạo. Trong những năm qua, bằng các nguồn vốn của các dự án, huyện đã ghép được khoảng hơn 8ha, tương đương 3.200 cây, ngoài ra một số hộ đã ghép dịch vụ được khoảng trên 2ha. Riêng năm 2017, thông qua dự án khuyến nông, toàn huyện đã ghép được khoảng 1.000 cây nhãn trên địa bàn các xã: Thanh An, Sam Mứn, Noong Luống. Theo kế hoạch, dự kiến trong giai đoạn 2018 - 2020 huyện sẽ ghép cải tạo 80ha nhãn. Hiệu quả kinh tế sau 1 năm ghép ước thu lợi nhuận khoảng 490.000 đồng/cây, từ năm thứ hai lợi nhuận tăng lên khoảng 1.400.000 đồng/cây và duy trì ổn định trong những năm tiếp theo.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Để giúp người dân phát huy được các nguồn lực hỗ trợ, phát huy tính hiệu quả của các cây trồng chủ lực đã được xác định, thời gian tới ngoài thực hiện có hiệu quả các chính sách nông nghiệp, tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới huyện Điện Biên sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất các loại cây trồng chủ lực theo hướng liên kết giữa các vùng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt 6.860ha, sản lượng đạt trên 48.000 tấn, lựa chọn được 2 giống lúa chất lượng cao là tám thơm và IR64 để xây dựng thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý Gạo Điện Biên; phấn đấu sản lượng ngô đạt trên 23.700 tấn; thực hiện quy hoạch vùng sản xuất rau, quả an toàn tập trung với diện tích khoảng 2.700ha.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top