Nhà nông cần biết

Phòng trừ sinh vật gây hại trên lúa mùa

09:13 - Thứ Hai, 21/08/2017 Lượt xem: 8523 In bài viết

1. Biện pháp canh tác

Thực hiện vệ sinh, cắt dọn sạch cỏ dại, trong và trên bờ ruộng tạo sự thông thoáng, hạn chế nguồn sâu bệnh lây lan. Điều tiết nước hợp lý, không để ruộng bị khô giúp cây lúa sinh trưởng thuận lợi đặc biệt là giai đoạn lúa làm đòng. Tiến hành bón phân đón đòng kịp thời cho lúa khi xuất hiện 10% lá thắt eo (cuối giai đoạn lúa đứng cái); liều lượng bón 7 - 8kg kali + 3 - 4kg đạm.

2. Quản lý, phòng trừ sinh vật gây hại

* Đối với tập đoàn rầy

Hạn chế sử dụng thuốc hóa học đặc biệt thuốc trừ sâu phổ rộng có các hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin để bảo vệ các sinh vật có ích trên đồng ruộng, đồng thời tránh hiện tượng rầy kháng thuốc. Chỉ phun trừ ở nơi có mật độ cao > 750 con/m2 hoặc ở giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh trở đi mật độ ≥ 3 con/dảnh lúa và chú ý phun trừ sớm khi rầy còn ở tuổi nhỏ (rầy cám).

Giai đoạn lúa đẻ nhánh - đứng cái: Sử dụng các loại thuốc có tác dụng nội hấp, lưu dẫn có hoạt chất như: Thiamethoxam, Imidacloprid như Actara 25 WG, Armada 50 EC... Nếu rầy còn nhỏ (tuổi 1, 2), ưu tiên sử dụng thuốc có hoạt chất Buprofezin như Butyl 10 WP, Difluent 10WP...

Lúa giai đoạn trỗ - chín: Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, vị độc có hoạt chất Fenobucarb; Isoprocarb; Chlorpyrifos Ethyl như Bassa 50EC; Sairifos 585EC; Penalty gold 50EC. Nếu mật độ rầy cao ≥ 2000 con/m2 kết hợp loại thuốc có tác dụng nội hấp và thuốc có tác dụng tiếp xúc vị độc.

Khi dùng thuốc tiếp xúc phải rẽ hàng và phun phần gốc lúa nơi rầy tập trung. Yêu cầu ruộng phải có nước từ 3 - 5cm; phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

* Đối với sâu cuốn lá nhỏ

Chú ý chỉ phun thuốc khi sâu tuổi nhỏ và mật độ sâu non đến ngưỡng phòng trừ ≥ 25 con/m2 đối với giai đoạn đẻ nhánh, từ 10 con/m2 trở lên đối với giai đoạn làm đòng - trỗ. Tránh tình trạng phun tràn lan, không đúng thời điểm. Theo dõi sau khi thấy sâu trưởng thành xuất hiện rộ (rộ tức là thời điểm số lượng trưởng thành/bướm sâu cuốn lá nhỏ cao nhất) thì phun thuốc sau 7 - 10 ngày. Sử dụng một trong các loại thuốc có hoạt chất Fipronil như Regent 800WG, Rigell 800WG, Tango 50 SC... hoặc hoạt chất Cartap như Padan 95 SP, Patox 95 SP.

* Đối với bệnh đạo ôn

Cần bón phân cân đối, các diện tích xuất hiện bệnh ngừng bón phân đạm, không sử dụng các thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá, luôn giữ đủ nước trong ruộng. Tiến hành phun trừ ngay khi thấy bệnh xuất hiện, đặc biệt trên các giống nhiễm như BC: 15, Bắc thơm số 7, IR 64, Séng cù...

Sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu sau: One - Over 40EC, Filia 525 SE, Bump 650 WP... Hoặc các loại thuốc có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole, Edifenphos để phun trừ. Sau khi phun từ 5 - 7 ngày kiểm tra nếu còn thấy vết bệnh mới cần phun tiếp lần 2 để trừ dứt điểm nguồn bệnh.

Ngoài ra cần chú ý theo dõi một số đối tượng sinh vật gây hại khác như: bệnh khô vằn, bọ xít hôi dài, sâu đục thân, chuột... để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trần Quốc Luyện (Trạm BVTV huyện Mường Chà)
Bình luận
Back To Top