Không để chậm tiến độ sản xuất nông nghiệp do mưa lũ

08:20 - Thứ Tư, 23/08/2017 Lượt xem: 6647 In bài viết
ĐBP - Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản, tính mạng người dân trên địa bàn tỉnh. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã khẩn trương khắc phục hậu quả, nhằm nhanh chóng khôi phục sản xuất và ổn định đời sống nhân dân.

Đợt mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua đã làm hơn 13ha lúa huyện Nậm Pồ bị thiệt hại từ 50 - 70%; 3ha hoa màu bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; hơn 2ha diện tích ao cá của người dân bị cuốn trôi; nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng, vùi lấp. Tranh thủ những ngày nắng, gia đình chị Khoàng Thị Phóng, bản Nà Én, xã Chà Tở (huyện Nậm Pồ), đã xuống đồng giặm lại những diện tích lúa bị thiệt hại do mưa lũ. Chị Khoàng Thị Phóng, cho biết: Nhà mình có hơn 1.000m2 lúa, bị mưa lũ cuốn trôi một phần diện tích lúa. Mình đã khắc phục bằng cách tỉa chỗ lúa dày để giặm vào những diện tích bị thiệt hại. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND xã, nhà mình cũng như bà con dân bản tranh thủ nước rút, thực hiện vệ sinh đồng ruộng giúp cây lúa phục hồi sau ngập, cấy giặm những diện tích lúa chết. Đối với diện tích mất trắng sẽ cấy các giống ngắn ngày hoặc chuyển đổi cây trồng khác.

Tương tự, những ngày này chính quyền các cấp, phòng ban chuyên môn huyện Điện Biên tích cực vào cuộc cùng với nông dân nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất. Theo thống kê, từ đầu tháng 7 đến nay toàn huyện có hơn 200ha lúa bị ảnh hưởng do mưa lũ, thiệt hại từ 30 - 70%; hơn 20ha rau màu bị ngập úng; gần 25ha diện tích ao, hồ bị ngập lụt thiệt hại gần 10 tấn tôm, cá... ước tính tổng thiệt hại về sản xuất nông nghiệp hàng tỷ đồng. Đến thời điểm này, nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập vẫn chưa thể khôi phục; một số diện tích bị bùn đất vùi lấp ngập sâu tới 30cm chưa thể cải tạo để canh tác lại trong mùa vụ này. Ông Chu Văn Bách, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Để nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, sau khi mưa lũ đi qua, UBND huyện Điện Biên đã thành lập đoàn công tác xuống cơ sở chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng, nông dân một số xã đã thực hiện khơi thông kênh mương, tiêu nước cho diện tích bị ngập, giặm lại những diện tích bị hư hại. Khó khăn lớn nhất là việc khôi phục các diện tích ruộng bị đất cát vùi lấp. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các xã chú trọng công tác tiêu độc khử trùng trong chăn nuôi nhằm ngăn chặn các loại bệnh trên gia súc, gia cầm sau mưa lũ. Đặc biệt chú trọng phun tiêu độc khử trùng các vùng có nguy cơ cao, tiêu hủy ngay vật nuôi khi phát hiện bệnh, không để bệnh lây lan sang các vùng lân cận.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu mùa mưa đến nay, toàn tỉnh có gần 770ha lúa thiệt hại, trong đó có gần 410ha lúa bị thiệt hại trên 70% và 250ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%; hơn 10ha lúa nương bị sạt lở, vùi lấp và hơn 60ha hoa màu bị ngập úng. Bên cạnh đó, mưa lũ cũng đã gây tràn và vùi lấp gần 100ha ao cá, gây thiệt hại hàng chục tấn tôm, cá. Hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, ngay sau khi nước rút, các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân khẩn trương hót dọn đất đá, cát bồi lắng, cải tạo đồng ruộng để khôi phục sản xuất. Đối với diện tích bị ngập do mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các huyện và chính quyền xã tích cực vào cuộc cùng với nông dân nhanh chóng rút nước ra khỏi ruộng, tiến hành gieo cấy lại với những giống lúa ngắn ngày và có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Mặt khác, khuyến cáo nông dân có thể chuyển sang trồng hoa màu chứ nhất định không bỏ đất trống. Đối với cây màu bị thiệt hại nhẹ, hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh và trồng dặm, bón phân chăm sóc để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Những diện tích bị thiệt hại nặng không có khả năng phục hồi thì tiến hành trồng lại bằng các loại cây màu còn thời vụ sản xuất như: lạc, đậu, khoai lang, rau xanh. Đối với những diện tích nuôi trồng thủy sản ngập, cuốn trôi, chỉ đạo người dân gia cố lại hệ thống bờ ao để tiếp tục nuôi thả; tập trung cải tạo hệ thống kênh mương đáp ứng nhu cầu tiêu úng cho những diện tích còn lại. Đồng thời, tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đến từng hộ dân để trình cấp trên hỗ trợ kinh phí giúp người dân ổn định sản xuất, đời sống. Có thể nói, đến nay việc khắc phục những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện khẩn trương, không làm chậm tiến độ sản xuất vụ đông sắp tới.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top