Sắc màu mới Huổi Min

08:50 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 8304 In bài viết
ĐBP - Hơn 10 năm kể từ ngày chính thức được công nhận bản, đến nay khó khăn ở Huổi Min dần đi qua, thay vào đó là những sắc màu mới của sự ấm no. Đó là màu xanh tươi của dải ruộng bậc thang đang kỳ mạ non vừa được khai hoang, trồng vụ đầu tiên; là ánh điện từ nguồn điện lưới quốc gia đã được kéo đến từng ngôi nhà, nối gần hơn bản vùng cao Huổi Min với người dân vùng thấp.

Mạ non - màu xanh hy vọng

Trước kia, Huổi Min không được biết đến cũng bởi quá trình du canh, du cư khai phá những cánh rừng, vạt nương như các cộng đồng dân tộc Mông khác. Bao đời nay, người Huổi Min vẫn quen làm nương, trồng cây đất dốc. Vài năm gần đây mới có 1, 2 gia đình trong bản tự học hỏi khai hoang ruộng nước với diện tích nhỏ. Thấy lúa nước cho năng suất cao hơn nhưng do nương rải rác, không có nguồn nước đảm bảo nên người dân nơi đây vẫn chủ yếu canh tác trên nương. Đến đầu năm 2017, niềm vui lớn đến với Huổi Min khi UBND thị xã quy hoạch bãi tưới hưởng lợi từ công trình Thủy lợi Pa Cô (dẫn nước qua gần bản), 16/16 hộ dân Huổi Min đều được chia đất để khai hoang ruộng bậc thang, tập trồng lúa nước. Mỗi khẩu được chia hơn 360m2, cả bản có hơn 6ha đất. Sau khi nhận đất, cả bản cùng thuê máy móc đến mở ruộng, hiện đã hoàn thành và đưa vào gieo cấy kịp thời vụ khoảng 4ha. Với đa số người dân Huổi Min, mặc dù đây là lần đầu tiên trồng lúa nước nhưng họ đã không ngại đầu tư, dám nghĩ, dám làm. Nhiều nhà bán trâu, bò, rồi vay thêm từ ngân hàng để thuê máy khai hoang, như gia đình anh Lầu A Trẻ (60 triệu đồng), Lầu A Hờ (gần 30 triệu đồng)…

 

Gia đình anh Lầu A Dơ lần đầu tiên cấy lúa nước.

Không chỉ khu vực bãi tưới Pa Cô, tranh thủ máy móc, nhiều hộ còn mở ruộng tại các vạt nương đã bạc màu của mình. Gia đình anh Lầu A Dế là một trong những hộ mạnh dạn ấy. Anh bán bò rồi vay ngân hàng 60 triệu đồng đầu tư cả vào việc khai hoang. Sau khi hơn 3.000m2 ruộng bậc thang tại khu vực bãi tưới Pa Cô thành hình, anh tiếp tục thuê máy móc khai hoang gần 4.000m2 trên diện tích nương khác của gia đình. Đồng thời đào 3 ao cá (gần 1.000m2), thả 2 triệu tiền cá giống các loại. Anh Dế chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi làm nương, mỗi năm gieo gần 10 bao thóc giống cũng chỉ thu về được 40 - 50 bao thóc, vừa đủ cho 8 miệng ăn, không còn dư để bán lúc cần thiết. Vì vậy, dịp này tôi quyết tâm khai hoang mở ruộng, đào ao một thể, mong thu được nhiều thóc gạo hơn, cuộc sống sau này đỡ vất vả”.

Với sự hướng dẫn, theo sát của Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư thị xã và UBND phường Sông Đà, trung tuần tháng 6, các hộ dân Huổi Min bắt đầu xuống giống lúa. Đến nay phần lớn diện tích đã hoàn thành cấy, tỉa giặm, đang sinh trưởng, phát triển tốt. Gần 30 phút leo con dốc thẳng đứng từ đầu bản lên khu bãi tưới, khi chân, tay chúng tôi mỏi nhừ, muốn nghỉ ngơi cũng là lúc dải ruộng xếp tầng xanh tươi hiện ra trước mắt. Cây lúa đã cao hơn một gang tay, thân cứng cáp, có vẻ thích hợp với chất đất nơi đây. Trên khu vực đầu bãi tưới còn một vài hộ đang gấp rút cấy cho xong toàn bộ diện tích. Gia đình anh Lầu A Dơ là một trong những hộ ấy. Anh huy động hơn 10 người là thành viên trong nhà đang cấy hơn 1.200m2. Những đôi tay ban đầu còn lúng túng, chưa quen với lúa nước, sau một hồi đã nhanh nhẹn, thuần thục hơn. Anh Dơ cho biết: “Đây là lần đầu tiên gia đình tôi làm ruộng bậc thang, tuy vẫn chưa giỏi điều tiết nước và chăm bón lúa nhưng sẽ học hỏi dần dần. Tôi tin gia đình mình sẽ làm tốt và có vụ mùa như kỳ vọng”.

Điện về “sáng” bản làng

Thời điểm giữa năm 2017 này có thể coi là một dấu mốc đáng nhớ với Huổi Min, khi lần đầu cả bản cùng canh tác ruộng nước, mới đây (ngày 18/7) lại được đóng điện, trở thành bản vùng cao đầu tiên của TX. Mường Lay sử dụng điện lưới quốc gia. Niềm vui nhân đôi, đây đều là những điều mà người dân Huổi Min mong chờ từ lâu. Điện về không chỉ thắp sáng từng ngôi nhà, giúp người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, sản xuất mà còn “thắp sáng” dân trí, nâng cao hiểu biết cho mỗi người dân từ những phương tiện thông tin đại chúng, tin tức thời sự, tiến bộ khoa học kỹ thuật... Ngay sau khi có điện, nhiều hộ dân trong bản đã ra trung tâm thị xã mua sắm những đồ dùng bằng điện phục vụ nhu cầu gia đình. Ngồi trước quạt điện mát rượi; trước tivi màn hình phẳng 32 inch mới tinh, bắt được hàng chục kênh truyền hình khác nhau, thành viên gia đình anh Vàng A Ly phấn khởi tìm xem từng kênh mình yêu thích, nào là văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, tự làm những máy nông cụ đơn giản... ai nấy đều hào hứng, chăm chú theo dõi vừa bình luận. Vàng A Sếnh, con trai anh Vàng A Ly chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sử dụng điện nước, tuy có thể thắp sáng vào cả mùa khô nhưng rất hạn chế về thời gian sử dụng và ánh sáng cũng yếu. Các đồ dùng điện khác thì rất ít khi có thể sử dụng. Đây là lần đầu tiên, gia đình tôi được xem tivi, dùng quạt, bóng thắp sáng thoải mái như thế. Buổi tối, sau một ngày làm việc vất vả, cả gia đình quây quần xem các chương trình trên tivi, các em có đèn để học bài, mẹ khâu vá đến giờ đi ngủ mới thôi”.

Anh Lầu A Sò, Trưởng bản Huổi Min, cho biết: Cả 16/16 hộ dân trong bản đều khai hoang ruộng nước, đều được sử dụng điện. Đây là niềm vui rất lớn đối với Huổi Min. Có điện rồi, thêm điều kiện tiếp cận với xã hội văn minh, với những sáng tạo, tiến bộ khoa học kỹ thuật, Huổi Min sẽ thay đổi nhanh chóng. Hiện cả bản vẫn còn 100% hộ nghèo, nhưng sau khi đánh giá lại, với những điều kiện mới này, chắc chắn rồi hộ nghèo sẽ không còn nhiều. Đây không phải là mất đi sự ưu đãi trong chế độ, chính sách của Nhà nước mà là kết quả của những ưu đãi, giúp đỡ ấy cùng nỗ lực vươn lên của người dân Huổi Min. Đã nhiều năm trôi qua nhưng câu chuyện thành lập bản sau nhiều năm sống trong rừng sâu không ai biết đến, vẫn được già làng, người có uy tín Lầu A Dính - là người có công lập bản kể lại cho con cháu như lời nhắc nhở về một quá khứ khó khăn để trân trọng và cố gắng hơn trong hiện tại, cũng là động lực để các lớp người Huổi Min phấn đấu, mạnh dạn đầu tư xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng tại mảnh đất vùng cao này.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top