Lả Chà đi lên từ gian khó

08:53 - Thứ Năm, 24/08/2017 Lượt xem: 6468 In bài viết
ĐBP - Như một cơ duyên, những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi có dịp trở lại với bà con người Cống, bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ). Khác với suy nghĩ về một vùng quê nghèo khó, heo hút, trải qua hơn năm thập kỷ chung sống bên dòng Nậm Chà êm thuận. Bằng ý chí và khát khao dựng xây, bản người Cống mới đây đang khoác lên mình diện mạo mới về cuộc sống ngày càng ấm no, đủ đầy.

Để hiểu được phần nào về cuộc sống thủa sơ khai của người Cống bên dòng Nậm Chà, cùng trưởng bản Lò Văn Hán, chúng tôi đến thăm cụ Lùng Văn Bát (80 tuổi). Mặc dù tuổi đã cao, nhưng trí nhớ của cụ vẫn còn rất minh mẫn. Lần giở lại câu chuyện của mấy mươi năm về trước, cụ Lùng Văn Bát kể cho chúng tôi nghe về chuyện vượt lên gian khó của người Cống nơi đây. Cụ bảo: Những năm 1962 của thế kỷ trước, sau nhiều lần di chuyển chỗ ở và cuối cùng người dân trong bản quyết định định cư bên dòng Nậm Chà với vỏn vẹn chưa đầy 13 nóc nhà, hơn 60 nhân khẩu. Lúc mới định cư, cuộc sống của người dân chỉ dựa vào thiên nhiên là chính, săn bắt hái lượm trên rừng được thứ gì ăn thứ nấy. Sản xuất manh mún, chủ yếu theo kinh nghiệm và truyền thống canh tác bao đời nay của các cụ truyền lại nên cuộc sống đã khó lại càng khó hơn. Dịch bệnh, mất mùa xảy ra triền miên khiến cuộc sống của bà con cứ mải miết trong vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo.

 

Người dân bản Lả Chà vui trong ngày tết dân tộc.

Qua rồi một thời gian khó, với sự chung tay góp sức của Đảng và Nhà nước, cộng đồng các dân tộc anh em kề bên sát cánh đã mang đến cuộc sống ấm no đủ đầy hơn cho đồng bào dân tộc Cống. Trưởng bản Lò Văn Hán phấn khởi kể cho chúng tôi nghe về “kỳ tích” đổi thay mang tính trọng đại đối với cộng đồng người Cống. Anh Hán kể: Nhờ những Chương trình 134/CP, Chương trình 135/CP, đặc biệt là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, tỉnh Điện Biên” đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi; hạ tầng giao thông nông thôn; đưa điện lưới quốc gia về bản, hỗ trợ bà con làm nhà ở... tạo tiền đề vững chắc giúp kinh tế Lả Chà có bước chuyển mình rõ rệt. Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, tỉnh Điện Biên” là minh chứng rõ nét mang đến cho bà con cơ hội tiếp cận, biết sử dụng giống cây trồng, vật nuôi. Thông qua các tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước giúp bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất lao động... Với việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất lúa ruộng đã tăng lên đáng kể, đạt khoảng 40tạ/ha (bằng mức năng suất bình quân của xã). Từ đó, nâng bình quân lương thực đầu người lên 430kg/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo. Nhiều gia đình đã vươn lên khá giả, có điều kiện cho con em đi học.

Hiện nay, toàn bản có 50/69 hộ sử dụng ti vi, xe máy, cơ bản các hộ có nhà kiên cố, khang trang. Gia đình anh Lý Văn Che - điển hình trong phát triển kinh tế, chia sẻ với chúng tôi: Những năm gần đây, nhận thấy nuôi gia súc, gia cầm mang lại hiệu quả kinh tế nên anh mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại mua trâu, lợn, gà giống về nuôi... Nhờ kinh nghiệm, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh nuôi 3 con trâu, chục con lợn và hàng trăm con gia cầm; trồng gần 1.000m2 lúa nước. Mỗi năm trừ chi phí gia đình anh thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng.

Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng lên, vì đó mà người dân cũng quan tâm hơn tới việc học hành của con em mình. Hiện nay 100% trẻ em người Cống đã được học tập, rèn luyện trong trường lớp khang trang, kiên cố hóa, trang thiết bị dạy học đầy đủ, đội ngũ giáo viên có trình độ, đảm bảo chất lượng giảng dạy. Cùng với việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, theo trưởng bản Lò Văn Hán, người Cống nơi đây đã chú trọng hơn việc khôi phục nét đẹp văn hóa truyền thống, như: trang phục truyền thống và các loại nhạc cụ của dân tộc Cống... Mỗi gia đình đều có ít nhất 2 bộ trang phục truyền thống (trang phục nam - nữ). Hơn nữa, trong các buổi sinh hoạt bản, các già làng truyền cho các thế hệ con cháu những bài hát, điệu múa truyền thống đang dần bị mai một. Nhờ đó, bản sắc văn hóa dân tộc và đời sống tinh thần của người dân tộc Cống ở Lả Chà đang được khôi phục và phát triển.

Rời Lả Chà trên con đường bê tông mới phẳng lỳ, dưới ánh nắng chiều dịu nhẹ, dọc hai bên đường màu xanh của nương ngô, nương lúa xanh mướt đang căng tràn sức sống, chúng tôi thấy ấm lòng hơn về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân nơi đây. Dẫu biết rằng con đường phía trước của người Cống ở Lả Chà vẫn còn nhiều gian nan, thử thách.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top