Bảo vệ các công trình thủy lợi mùa mưa bão

09:03 - Thứ Tư, 30/08/2017 Lượt xem: 8475 In bài viết
ĐBP - Mùa mưa hàng năm, trên địa bàn huyện Mường Ảng thường xuất hiện những trận mưa lớn kéo dài, dễ gây lũ quét, sạt lở đất làm hư hỏng các công trình thủy lợi; ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Để hạn chế những thiệt hại do mưa lũ gây ra, huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, gia cố hồ, đập, kênh mương thủy lợi.

 

Kênh Ná Co Đụ (bản Bó Mạy, xã Ẳng Nưa) bị thiệt hại trong đợt mưa lũ cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua đã được khắc phục để đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ bà con sản xuất.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: Xác định các công trình thủy lợi có vai trò trọng yếu đối với sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, cùng với sự quan tâm đầu tư xây dựng mới, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão. Hiện trên địa bàn huyện có 109 công trình thủy lợi, chủ yếu là đập dâng và phai tạm. Do các công trình thủy lợi xây dựng tại những khu vực khe suối, đầu nguồn nước nên khi xảy ra mưa lớn, sức nước chảy mạnh dễ làm các công trình thủy lợi bị hư hỏng. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng là: kênh Ná Co Đụ (bản Bó Mạy) và thủy lợi Co Có bị đứt gãy 15m kênh; đoạn đầu mối của đập dâng Phai Co Bay (bản Cang và bản Mới, xã Ẳng Nưa) có nguy cơ bị xói và gãy; tuy nhiên, cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý đã kịp thời khắc phục. Đến nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện đều phát huy hiệu quả, cung cấp đủ nước tưới cho hơn 900ha lúa.

Chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2017, UBND huyện Mường Ảng đã đã xây dựng, triển khai phương án phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai toàn huyện; phương án bảo vệ các vùng xung yếu, nguy cơ xảy ra sạt lở đất cao; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị  và các xã thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ". Chính quyền các xã khẩn trương giải tỏa rác, vật cản hạn chế dòng chảy trên các hệ thống kênh mương nhằm đảm bảo thông thoáng lòng dẫn, không để xảy ra úng ngập ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh trong mùa mưa bão; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân để chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Các đơn vị, chính quyền địa phương được giao quản lý công trình thủy lợi phải nghiêm túc thực hiện công tác duy trì, thường xuyên kiểm tra hệ thống hồ, đập, kênh mương. Nếu xảy ra tình huống mưa lũ, đất đá sạt lở gây hư hỏng nhẹ, chính quyền địa phương cần chủ động huy động các nguồn lực sẵn có để khắc phục sự cố, hót sụt sạt để các công trình thủy lợi tiếp tục phục vụ việc thoát nước kịp thời. Đối với các công trình bị xói lở, sạt trượt không đảm bảo an toàn, cơ quan chuyên môn huyện cần triển khai khảo sát và tiến hành làm kè, rọ đá kiên cố bảo vệ; bố trí nhân lực tiến hành nạo vét bùn đất.

Do kinh phí để sửa chữa các công trình thủy lợi bị phá hủy do mưa lũ rất lớn, trong khi ngân sách huyện còn hạn chế nên huyện Mường Ảng luôn xác định việc chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão lên hàng đầu. Với sự vào cuộc từ cấp huyện đến chính quyền cơ sở và sự tham gia tích cực của người dân, mùa mưa những năm gần đây, trên địa bàn huyện không xảy ra trường hợp công trình thủy lợi bị phá hủy do mưa lũ, những công trình bị hư hỏng nhẹ đều được khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top