Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng: Cần cân nhắc kỹ

08:27 - Thứ Ba, 05/09/2017 Lượt xem: 6555 In bài viết
Đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của Bộ Tài chính đưa ra mới đây đã lập tức trở thành tâm điểm chú ý của xã hội. Mặc dù đại diện Bộ Tài chính khẳng định, tăng thuế VAT không ảnh hưởng nhiều tới người nghèo, song các chuyên gia tài chính đánh giá: Tăng thuế VAT gây ra những tác động trực tiếp tới người nghèo và cần cân nhắc kỹ tác động (trước khi tăng).

Nên hay không?

Đề xuất mới đây của Bộ Tài chính sẽ thực hiện tăng thuế VAT với 2 phương án: Phương án 1, tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1-1-2019. Phương án hai, tăng theo lộ trình lên 12% kể từ ngày 1-1-2019 và 14% từ ngày 1-1-2021. Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm “đề nghị cân nhắc phương án 1”.

 

Thuế giá trị gia tăng tác động đến mọi người tiêu dùng nên cần được nghiên cứu kỹ trước khi quyết định điều chỉnh.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết: Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức từ 17% đến 25%), còn 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%. Các nước như Lào, Indonesia, Campuchia cũng có mức thuế suất phổ biến 10%. Bộ Tài chính cũng tính toán, mức thuế suất trung bình tại các nước EU đã tăng từ 19% những năm 2000 lên gần 21,5% năm 2014...

Mặc dù Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều quan điểm nhằm lý giải đề xuất nêu trên, song theo các chuyên gia tài chính, từ khi Việt Nam thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), người dân chưa được hưởng lợi gì nhiều, vậy mà thuế VAT lại sắp tăng thêm 2%. Khi danh mục hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được giảm thuế và có giá thành rẻ hơn hiện tại 5-15%, lúc đó mới nên xem xét tăng thuế VAT để bù ngân sách.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia (CMA Australia) tại Việt Nam cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng chi phí chung trong nền kinh tế, gồm cả chi phí của người dùng và doanh nghiệp. Trên thực tế, tỷ trọng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay chỉ hơn 10% trong khi nhiều nước khác khoảng 30%. Việc tăng thuế VAT sẽ khiến người giàu, người nghèo đều phải nộp thuế như nhau. Trong khi đó, vấn đề hiện nay là sử dụng ngân sách sao cho hiệu quả để bù đắp sự sụt giảm khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, còn doanh nghiệp giảm lợi nhuận.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nguồn thu lớn, dễ thực hiện nhất là các loại thuế gián thu, nhất là thuế VAT. Thuế VAT cũng thể hiện trên hóa đơn bán hàng, không khó xác định doanh thu, chi phí chính xác như các loại thuế khác. Tuy nhiên, thuế gián thu đánh vào tất cả các đối tượng và không có tác dụng hỗ trợ người nghèo. Đó là những điều cần cân nhắc khi xem xét đề xuất tăng thuế.

Được biết, Trung Quốc hiện có mức thuế VAT khoảng 2-17%, Indonesia từ 0% đến 10%, Nhật Bản: 0% đến 8%, Malaysia: 0% - 6%, Philippines: 0% - 18%, Canada: 0% - 15%. Mức thuế VAT của các nước trên không cố định. Với ngành nghề khuyến khích sản xuất, kinh doanh, họ đánh thuế ở mức ưu đãi để phát triển. Với ngành nghề không sản xuất, họ đánh thuế ở mức cao. Trong khi đó, Việt Nam đang cố định ở mức 10% và 5%, dự kiến tăng lên 12%. Điều này là chưa hợp lý.

Người nghèo chịu ảnh hưởng

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, hiện có 25 nhóm hàng không chịu thuế VAT, ngoài ra còn có 15 nhóm hàng hóa mức thuế VAT 5%. Kết quả khảo sát mức sống của dân cư do Tổng cục Thống kê thực hiện cũng cho thấy, người thu nhập thấp, trung bình chi 59% thu nhập để mua lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Trong khi đó, người giàu chi 39%. Hiện nay, y tế, giáo dục và lương thực, thực phẩm trực tiếp sản xuất bán ra không chịu thuế. 

Vì vậy, chỉ người kinh doanh thương mại lương thực, thực phẩm trong khâu bán ra mới phải chịu thuế suất 5%. Do đó, việc tăng thuế VAT tác động đến người nghèo không nhiều.

Nhận xét về ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Ngoài những nhóm hàng hóa đã nêu, còn rất nhiều mặt hàng, dịch vụ mà người nghèo cũng phải dùng như điện, xăng dầu, thuốc men... Bởi vậy, việc tăng thuế VAT sẽ tác động tới người dân, đặc biệt là mức tiêu dùng của người nghèo. "Phải nhìn vấn đề một cách đầy đủ, nghĩ nhiều cho người dân hơn. 

Nhà nước, Chính phủ khó khăn, người dân cũng cần chia sẻ, nhưng cần cân nhắc kỹ những tác động trước khi tăng thuế. Phải tính xem người dân có chịu được không, chấp nhận được không? Tỷ lệ chi cho những nhu cầu thiết yếu chiếm phần lớn thu nhập rồi, chưa kể còn bao nhiêu khoản chi tiêu khác. Thu thêm thuế, từ 5% lên 6% với một số mặt hàng hay 10% lên 12% đáng kể lắm chứ. Thu nhập của người dân còn thấp, tăng 1-2% là đáng kể rồi", ông Lưu Bích Hồ phân tích.

Trước ý kiến về việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng tới lạm phát, ông Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, cơ quan nghiên cứu phải tính toán sự ảnh hưởng là bao nhiêu, vì tăng giá tiêu dùng là tăng CPI. Vấn đề này, cơ quan chức năng cần cân nhắc, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. 

Đây cũng là đánh giá, nhìn nhận chung của nhiều chuyên gia kinh tế khác.

Ngày 17-8, Bộ Tài chính đã có công văn hỏa tốc gửi các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến về Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế, gồm: Luật Thuế VAT, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên (thời gian cuối để các bộ, ngành góp ý là trước 29-8). Theo Bộ Tài chính, do thời gian góp ý ngắn, nên mới có một số bộ, ngành gửi ý kiến và hiện chưa có ý kiến nào phản đối phương án tăng thuế do Bộ Tài chính đề xuất.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top