Phòng bệnh cho đàn vật nuôi thời điểm chuyển mùa

09:41 - Thứ Tư, 06/09/2017 Lượt xem: 8062 In bài viết
ĐBP - Thời điểm chuyển mùa, thời tiết biến đổi thất thường, ngày nắng nóng, đêm trở lạnh dễ làm vật nuôi bị nhiễm bệnh. Mặt khác, thời tiết lạnh kèm có mưa nên độ ẩm không khí cao, các loại mầm bệnh trong môi trường phát triển mạnh, dễ lây lan.

Xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ là 1 trong những xã có tổng đàn gia súc khá lớn với trên 7.000 con, trong đó: gần 3.000 con trâu, 690 con bò, trên 2.000 con lợn, 74 con ngựa, 940 con dê; đàn gia cầm ước đạt trên 17.000 con. Anh Lò Văn Liện, cán bộ thú y xã Si Pa Phìn, cho biết: Trước đây, khi gia súc bị bệnh, người dân mua thuốc kháng sinh tiêm không đủ liều và không kịp thời, nên gia súc gia cầm chết nhiều. Bên cạnh đó, do tập quán chăn thả rông, nên có khi gia súc chết trên rừng nhiều ngày người dân mới phát hiện. Vài năm gần đây, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền xã làm tốt công tác tuyên truyền, quan tâm chỉ đạo người dân làm chuồng trại, nuôi nhốt gia súc, không thả rông khi thời tiết khắc nghiệt; định kỳ tiêm phòng vắc xin đầy đủ nên đã hạn chế tình trạng vật nuôi chết do dịch bệnh.

 

Cán bộ thú y huyện Nậm Pồ hướng dẫn người dân chăm sóc vật nuôi.

Không chỉ riêng xã Si Pa Phìn, mà thời gian qua, để nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Trạm Thú y huyện Nậm Pồ tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ thú y ở các xã, từ đó tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm tra đôn đốc việc tổ chức phòng chống dịch ở các xã cũng như quản lý vật tư, hóa chất, giám sát dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, Trạm Thú y huyện đã phối hợp với UBND 15/15 xã trên địa bàn tiến hành phun vệ sinh tiêu độc khử trùng cho 3.694 hộ, 3 chợ với diện tích 39.000m2 với tổng số 620 lít hóa chất; tiêm 935 liều vắc xin phòng dại cho chó, mèo; dự kiến trong thời gian tới, Trạm tiếp tục triển khai tiêm phòng 78.000 liều vắc xin các loại theo Chương trình 30a.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Thời tiết diễn biến phức tạp là yếu tố bất lợi trong chăn nuôi; vật nuôi giảm sức đề kháng, dễ nhiễm bệnh. Đối với trâu, bò dễ nhiễm một số bệnh tại thời điểm này như: Tụ huyết trùng, viêm phổi (nhất là đối với bê, nghé), lở mồm long móng, cảm lạnh; đàn lợn có thể mắc một số bệnh như: tai xanh, lở mồm long móng (LMLM), lợn con rất dễ mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli... Một số bệnh hay gặp trên đàn gia cầm như: cúm, hội chứng tiêu chảy. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngoài việc cung cấp vắc xin tiêm phòng đầy đủ, Chi cục Thú y còn yêu cầu trạm thú y các huyện, thị, thành phố chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở rà soát số lượng đàn vật nuôi; tăng cường tuyên truyền công tác vệ sinh, phòng bệnh đến các hộ chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc, khử trùng như: Rắc vôi bột khử trùng chuồng, trại chăn nuôi; phun thuốc khử trùng ở các khu chợ, lò giết mổ gia súc, gia cầm, những nơi từng xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm... Đến nay, Chi cục Thú y đã cấp 23.007 lít thuốc khử trùng cho các huyện, thị, thành phố; cung ứng 332.828 liều vắc xin: tụ huyết trùng trâu, bò, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn cho các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, thị xã Mường Lay và thành phố TP. Điện Biên Phủ. Tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng theo chương trình quốc gia (tại 2 huyện Điện Biên và Mường Chà); tiêm phòng vắc xin theo các chương trình Nghị quyết 30a (tại 5 huyện Tủa Chùa, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ). Việc chủ động tiêm phòng tạo miễn dịch quần thể khép kín cho đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Ngoài việc tăng cường bám sát cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, lực lượng thú y còn phối hợp với công an, quản lý thị trường… tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc từ ngoại tỉnh vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ làm tốt công tác kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh nên từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn gia súc, gia cầm.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top