Khi người nghèo không muốn thoát nghèo

09:42 - Thứ Năm, 07/09/2017 Lượt xem: 8689 In bài viết
ĐBP - Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh, chính sách giảm nghèo thực sự đã đi vào cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí có đời sống khấm khá. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa thực sự muốn thoát nghèo hoặc đã thoát nghèo nhưng vẫn muốn được là hộ nghèo để hưởng lợi…

Nghèo chỉ là “vỏ bọc”

Trong một lần thâm nhập cơ sở, tôi tình cờ phát hiện một mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng khá quy mô, nằm sâu trong chân núi tại một bản. Bên sườn đồi là hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, với khoảng 50 con lợn thịt đã đến độ xuất chuồng và hàng nghìn con gà thịt, vịt siêu trứng. Phía dưới là khe suối được cải tạo ngăn lại thành hệ thống ao khá bài bản và bốn bề ao cá là hàng trăm gốc chuối tây đang trổ buồng sai trái…

 

Mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Mường Chà.

Chủ trang trại phấn khởi cung cấp thông tin và nhiệt tình hướng dẫn tôi tham quan mô hình VAC của gia đình. Trong lúc vui vẻ cung cấp thông tin và trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với phóng viên thì chị vợ bỗng ngây người, như sực nhớ ra điều gì đó bất lợi. Nỗi lo lắng chợt ùa về, và chị đã đổi ý, kiên quyết không đồng ý cho phóng viên viết bài tuyên truyền trên báo. Sau cả hồi gặng hỏi lý do, chị rụt rè, nói: “Nếu chị đăng lên báo mô hình làm kinh tế của nhà em, chính quyền xã mà biết thì gia đình em sẽ bị mất hộ nghèo!”. Và theo chị nếu mất hộ nghèo thì gia đình sẽ mất rất nhiều thứ, như: không được cấp thẻ bảo hiểm y tế, không được miễn giảm học phí cho con, không được vay vốn với lãi suất ưu đãi… Dù hơi bất ngờ và có phần tiếc nuối cho tình huống phát sinh này; nhưng qua đó, lại khiến tôi thấu hiểu sự trăn trở của một đồng chí lãnh đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tại hội nghị UBND tỉnh tổ chức giao ban khối Văn hóa - Xã hội 6 tháng đầu năm 2017, về vấn đề rà soát, đánh giá hộ nghèo. Bởi tiêu chí đánh giá hộ nghèo thì đã có quy định, nhưng phần đánh giá thu nhập trên đầu người của mỗi gia đình là rất khó. Vì không phải hộ nào cũng khai thật về mức thu nhập của họ.

Cách nào tháo gỡ?

Nhìn con số thống kê toàn tỉnh còn 54.723 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 44,82% (cuối năm 2016), tôi tự hỏi, trong số ấy có bao nhiêu hộ là thực sự nghèo và bao nhiêu hộ nghèo vì muốn mang danh “hộ nghèo” để hưởng lợi từ  các chính sách của Đảng, Nhà nước. Và trong số ấy, có bao nhiêu phần trăm hộ có đời sống kinh tế khá giả? Phải chăng, khi một bộ phận người dân coi chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người nghèo như một “đặc ân” thì họ sẵn sàng khoác lên mình chiếc áo “hộ nghèo” để tiếp tục được hưởng lợi… Và khi người nghèo còn tư tưởng “thích nghèo” thì hiển nhiên họ cũng không muốn nỗ lực để thoát nghèo. Chính vì thế, câu chuyện giảm nghèo cũng còn lắm gian nan.

Một cán bộ xã Thanh Xương, huyện Điện Biên kể rằng, cứ vào dịp cuối năm, thời điểm bình xét hộ nghèo là cả trăm mối trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên, bởi lẽ bà con đua nhau thích làm hộ nghèo. Hộ này so bì hộ kia, hộ đã thoát nghèo thì tìm đủ mọi lý do để mong muốn được công nhận hộ nghèo; còn hộ nghèo cứ muốn nghèo mãi, cho dù chính quyền địa phương có nỗ lực giải thích tuyên truyền cũng chẳng ăn thua. Chuyện tưởng chừng ngược đời nhưng rất thật ấy có lẽ không chỉ xảy ra ở một xã, mà tư tưởng ấy còn ở không ít bộ phận người dân các xã trên địa bàn tỉnh.

Được biết, Nghị quyết số 32 của HĐND tỉnh về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, đưa ra nhiều con số thể hiện quyết tâm giảm nghèo. Đáng chú ý là mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm toàn tỉnh giảm 3 - 4% số hộ nghèo. Tuy nhiên, nếu tư tưởng thích nghèo và muốn hộ nghèo thành “thương hiệu” để trục lợi, tuy rằng không phổ biến nhưng sẽ là rào cản trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tư tưởng ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không chí thú làm ăn, mà vẫn muốn dựa vào “danh hiệu” hộ nghèo để hưởng lợi sẽ là những “con sâu” cần phải có biện pháp ngăn chặn, chấn chỉnh. Để chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước là ưu việt, nhưng không thể cào bằng, cần thực hiện hỗ trợ đúng, trúng đối tượng. Từ đó hộ nghèo mới có thể nhận thức được nghèo khó là một sự thiệt thòi cần phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, chứ không phải một “danh hiệu” mà không chịu buông bỏ!

Bài, ảnh: Tú Trinh
Bình luận
Back To Top