Tìm “đầu ra” cho cây cà phê

08:44 - Thứ Sáu, 08/09/2017 Lượt xem: 7224 In bài viết
ĐBP - Cà phê là cây trồng “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của huyện Mường Ảng. Minh chứng cho điều đó chính là nhiều hộ dân trên địa bàn có cuộc sống khấm khá, ổn định nhờ cây cà phê và góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do giá cà phê biến động theo hướng giảm, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Niên vụ cà phê năm 2017 - 2018 với nhiều tín hiệu khả quan cả về năng suất, sản lượng, song vẫn còn đó những nỗi lo về đầu ra, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Vì thế yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay và trong những năm tới đó là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê cho không chỉ riêng huyện Mường Ảng, mà còn của địa bàn toàn tỉnh nói chung.

 

Nông dân thị trấn Mường Ảng chăm sóc cây cà phê.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, diện tích cà phê toàn tỉnh ước tính đến hết năm 2017 là 3.934,9ha; sản lượng cà phê nhân ước đạt 5.475,3 tấn, tăng 1.715,2 tấn so với năm 2016. Trong đó, riêng “thủ phủ” vùng cà phê Mường Ảng đã chiếm trên 87% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh. Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, năng suất cà phê Mường Ảng niên vụ năm nay được nhận định sẽ tăng cao hơn nhiều so với niên vụ trước, đạt khoảng 18 tạ cà phê trấu/ha, với 3.200ha cà phê kinh doanh sẽ thu hơn 6.000 tấn cà phê trấu. Theo định hướng phát triển cây cà phê của tỉnh tại Quyết định số 1418 ngày 9/11/2016 của UBND tỉnh, đến năm 2020 diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 4.900ha, sản lượng đạt khoảng 10.708 tấn cà phê nhân/năm. Những năm qua, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp; Trung tâm Xúc tiến thương mại tăng cường hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, chế biến cà phê và đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Chỉ tính riêng giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế biến cà phê với tổng kinh phí hỗ trợ 450 triệu đồng cho 3 doanh nghiệp, đó là: Công ty TNHH Cà phê Điện Biên Phủ, Công ty TNHH Cà phê Đại Bách Mường Ảng và Công ty TNHH Hải An (thị trấn Mường Ảng).

Cùng với đó, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại xây dựng “Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa của tỉnh để tổ chức trưng bày, giới thiệu quảng bá các sản phẩm của tỉnh, trong đó có sản phẩm cà phê Mường Ảng. Thông qua các chương trình hội nghị, hội thảo và hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước, tuyên truyền quảng bá về hình ảnh, chất lượng sản phẩm cà phê Mường Ảng để tìm kiếm thị trường, như: Hội chợ thương mại quốc tế vùng Tây Bắc Điện Biên; hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam; hội chợ Luông Pra Băng (Lào) và các hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước… Thông qua các “kênh” đó đã góp phần quan trọng đưa một số sản phẩm cà phê do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất tìm được thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nhiều chợ, cửa hàng, siêu thị của tỉnh và trên thị trường một số tỉnh, thành trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Dù đã rất nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ sản xuất chế biến cà phê, song việc tìm đầu ra cho sản phẩm cà phê của tỉnh nói chung, cà phê Mường Ảng nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, giá phụ thuộc vào cung cấp của thị trường trong nước và trên thế giới, không thể tự điều tiết. Do vậy, trong thời gian tới Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Mường Ảng tiếp tục triển khai xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng cà phê, tạo cơ sở phát triển cà phê bền vững. Trong đó tập trung kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê cho người dân Mường Ảng, tiến tới xây dựng thương hiệu cà phê Mường Ảng. Tăng cường tìm kiếm thị trường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm hàng hóa thương hiệu cà phê Mường Ảng. Tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển xây dựng hình thành vùng sản xuất cà phê tập trung, chuyên canh theo phương án cánh đồng lớn tuân thủ các tiêu chuẩn, nguyên tắc 4C, UTZ, VietGap... để đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục kế thừa và thực hiện tốt về liên kết “4 nhà”, “5 nhà” để bao tiêu sản phẩm cho nông dân...

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top