Chà Cang từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng

09:03 - Thứ Sáu, 08/09/2017 Lượt xem: 6491 In bài viết
ĐBP - Thời gian qua cấp ủy, chính quyền xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) đã vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra Nghị quyết chuyên đề, những giải pháp kịp thời, sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời, từ nguồn vốn hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, xã đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống kênh mương thủy lợi; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên cơ sở khai thác những lợi thế, tiềm năng về điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nguồn lực lao động. Kết quả bước đầu cho thấy, việc chuyển đổi mang lại những tín hiệu đáng mừng, giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lèng Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Chà Cang, chia sẻ: Hiện nay, xã Chà Cang có tổng diện tích tự nhiên là 10,865,45ha. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 12,5ha; tổng sản lượng lương thực có hạt 45,6 tấn. Dư địa đất sản xuất là khá lớn; tuy nhiên do còn nhiều diện tích đất trồng không chủ động được nguồn nước nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Trước thực tế đó, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp; lựa chọn một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để sản xuất, nhân rộng... Để cây trồng chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, trước khi thực hiện chuyển đổi ở mỗi khu vực, xã tìm hiểu cụ thể về thực trạng sản xuất và nguyện vọng của bà con để từ đó triển khai các giải pháp canh tác phù hợp. Đồng thời tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, kế hoạch, quy mô diện tích theo lộ trình. Chính quyền địa phương cũng tích cực hướng dẫn bà con lựa chọn giống cây trồng phù hợp, tìm đầu ra cho sản phẩm; huy động nhân dân tu sửa, nạo vét kênh mương, đập chứa nước để chủ động nguồn nước tưới cho các loại cây trồng; phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất. Lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón phục vụ sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con đẩy mạnh sản xuất. Từ đó, không chỉ giúp bà con khai thác hiệu quả hơn diện tích đất đai, bằng những loại cây trồng chịu hạn, sử dụng ít nguồn nước và mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho nhân dân, góp phần nâng mức bình quân thu nhập trong xã lên 359kg/người/năm.

Đến tham quan mô hình gia đình ông Tao Văn Khím, bản Mới - hộ đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Chia sẻ với chúng tôi, ông Khím cho biết: Trước đây diện tích đất nông nghiệp của gia đình chủ yếu được tận dụng để trồng lúa, nhưng hiệu quả không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi một phần đất sản xuất sang trồng thử nghiệm cây ngô và trồng xen canh cây đậu tương... do khả năng chịu hạn, kháng bệnh, thích hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại sản lượng và thu nhập ổn định.

Phương Linh
Bình luận
Back To Top