Vào chặng nước rút

10:29 - Thứ Sáu, 08/09/2017 Lượt xem: 5640 In bài viết
Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của nước ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Các chuyên gia nhận định, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt ngưỡng hơn 200 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục phát huy những lợi thế để tranh thủ bứt phá, tăng tốc khi thời điểm nước rút đang đến gần…

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 8 tháng đầu năm nay đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng rất cao, hơn hẳn so với mục tiêu đề ra. Đó cũng là cơ sở để giới chuyên gia dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 sẽ xác lập một kỷ lục mới; đồng thời khẳng định xuất khẩu là động lực quan trọng của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

 

Đáng lưu ý, hầu hết các mặt hàng chủ lực của ta đều đạt kim ngạch xuất khẩu cao như: Điện thoại và linh kiện, dệt may, thủy sản, máy tính và linh kiện... Tính chung, đã có 21 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD. Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của hàng Việt Nam, tiếp đến là Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và ASEAN... Một tín hiệu đáng mừng là hiện tượng xuất siêu trong giao thương với bạn hàng quốc tế đã diễn ra từ nửa cuối tháng 7 và tiếp diễn trong tháng 8 vừa qua. Tính chung, nền kinh tế xuất siêu khoảng 800 triệu USD trong 2 tháng nói trên, bù đắp cho tình trạng nhập siêu các tháng trước, mang lại hiệu ứng tâm lý tích cực đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gia tăng trong thời gian tới.

Thông thường, từ sau quý II-2017, nền kinh tế đã đi qua giai đoạn thăm dò, giải quyết những vấn đề phát sinh, cũng như xác định rõ tình hình để đưa ra những biện pháp sản xuất, xuất khẩu khả thi nhất nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Theo đó, hoạt động xuất khẩu cũng tăng lên theo hướng càng về thời điểm cuối năm thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu càng tăng. Mặt khác, từ quý III-2017 đến cuối năm là lúc các doanh nghiệp Việt phải gắng sức, tập trung mọi năng lực cũng như áp dụng phương án tối ưu để hoàn tất các đơn hàng, hợp đồng xuất khẩu đã ký với bạn hàng quốc tế.

Đây gần như là mục tiêu lớn nhất và có tính chất bắt buộc. Một số ngành hàng còn nhiều hợp đồng, hoặc dư địa xuất khẩu cần tập trung nguồn lực tổng hợp, nhất là năng lực sản xuất nhằm tranh thủ xuất khẩu. Trong đó, các doanh nghiệp được gợi ý là nên thăm dò, tìm kiếm khả năng gia tăng xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Đông Âu nhờ ưu thế về giá và quan hệ với đối tác bản địa trong hàng chục năm qua. Đây cũng là cách chủ động để mở rộng thị trường theo hướng đa dạng kết hợp với định hướng không nên chỉ tập trung vào một số ít thị trường, phòng tránh rủi ro đột xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kim ngạch xuất khẩu các tháng cuối năm sẽ tăng mạnh do một số mặt hàng có giá trị lớn bước vào chu kỳ tăng trưởng. Do đó, Bộ sẽ chủ động làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia kết hợp với hoạt động định hướng, cung cấp thông tin các thị trường cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ đang gấp rút rà soát, đánh giá các thủ tục, điều kiện kinh doanh để tiến tới bãi bỏ hoặc đơn giản hóa 123 thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong năm 2017 để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đang từng bước tìm hiểu nội dung, các ưu đãi quy định trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký cũng như sắp ký kết để tận dụng tối đa, hướng tới mục tiêu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nhiều đơn vị đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bền vững, gia tăng sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Trong khi đó, giới chuyên gia vẫn kiên định dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt hơn 200 tỷ USD, tăng 13% so với mức thực hiện của năm trước, cũng như vượt kế hoạch 2017 là tăng 7-8% so với năm 2016.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top