Nghề đan cót trước thay đổi của cuộc sống hiện đại

08:09 - Thứ Hai, 11/09/2017 Lượt xem: 7845 In bài viết
ĐBP - Dạo quanh phường Sông Đà (TX. Mường Lay) vào bất kì thời điểm nào trong năm đều không khó để gặp được hình ảnh người dân phơi cót, đan cót bên hiên nhà. Công việc này đã được truyền qua nhiều thế hệ. Trước kia, các tấm cót được sử dụng phổ biến trong cuộc sống thường ngày, từ làm bồ đựng thóc, mái che hiên đến che đậy công trình, làm trần trong quá trình xây dựng nhà… Vì vậy nghề đan cót khá phát triển, hầu hết người dân đều biết đan. Cót làm ra đến đâu bán hết đến đấy, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Nhưng ngày nay, các đồ dùng, dụng cụ tiện lợi, hiện đại được ưa chuộng, dần thay thế các vật dụng thủ công. Hơn nữa, nguồn tre, nứa - nguyên liệu làm cót cũng khan hiếm hơn nên không còn nhiều người theo nghề.

Bà Đỗ Thị Xoan (hơn 60 tuổi), tổ dân phố 1, phường Sông Đà vừa hoàn thiện tấm cót đan dở từ sáng, vừa chia sẻ với chúng tôi: “Tôi là người miền xuôi lên đây từ năm 1964. Đến năm 1987, tôi học cách đan cót của người dân trong vùng và duy trì nghề cho đến bây giờ. Số người làm nghề đan cót ngày một giảm dần, nếu như trước đây, nhà nào cũng đan cót bán, cả người già, người trẻ, nam hay nữ đều thuần thục đan những tấm cót thì giờ chỉ còn phụ nữ đã nhiều tuổi, không thể lao động nặng nhọc hoặc chị em không có việc làm ổn định vẫn giữ nghề”.

 

Bà Đỗ Thị Xoan đan cót.

Được biết, để cho ra một lá cót hoàn thiện đòi hỏi người làm phải rất tỉ mỉ từ khâu nguyên liệu. Nứa không quá già cũng không quá non, phải ngâm kỹ trong nước rồi mới pha thành ống, từng thanh nhỏ, rồi chẻ tiếp thành nan mỏng. Chẻ nan là khâu khó nhất, sao cho thật mỏng và đều, không giập, xơ. Sau đó, nan được phơi khô. Người đan phải khéo léo, lại phải nhanh tay để tránh bị nứa cứa vào tay. Trung bình một người có thể chẻ được 3 - 4 cây nứa/ngày hoặc hoàn thành công đoạn đan 3 - 4 tấm cót/ngày. Loại cót phổ biến có chiều dài 3-4m, rộng 1m. Vất vả là thế nhưng mỗi tấm cót chỉ có giá khoảng 40.000 đồng, trong khi một cây nứa được mua từ 13.000 - 15.000 đồng. Trừ chi phí, mỗi ngày, người đan cót chỉ thu nhập 40.000 - 50.000 đồng. Mặc dù công lao động không cao nhưng đan cót vẫn là nghề chính của chị Trương Nguyệt Linh, tổ dân phố 6, phường Sông Đà bởi chị sức khỏe không tốt, lại vướng bận con thơ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lúc nào thấy trong người khỏe mạnh, chị lại gửi con cho bố mẹ rồi tranh thủ đi rừng lấy nứa, nhờ vậy mà giảm được chi phí nguyên liệu. Chị Linh cho biết: Trung bình mỗi ngày chị làm hoàn thiện 1 tấm cót, nếu có đầu ra thường xuyên, mỗi tháng thu nhập khoảng 1,2 triệu đồng. Đây không phải số tiền lớn với nhiều người nhưng giúp gia đình chị trang trải sinh hoạt phí và nuôi con ăn học.

Dù trên địa bàn phường Sông Đà vẫn còn nhiều người tha thiết với nghề đan cót nhưng đầu ra luôn là trở ngại, khiến bà con nản lòng. Ngày nay, cót chỉ còn được sử dụng chủ yếu trong thi công công trình nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định. Người dân nơi đây cũng không kết nối được với các đơn vị thi công mà thường làm theo đơn đặt hàng của thương lái từ TP. Điện Biên Phủ. Vì vậy việc đan nát được thực hiện cầm chừng, phụ thuộc vào “mùa vụ” xây dựng. Với sự phát triển ngày càng hiện đại ở mọi lĩnh vực, không biết nghề đan cót thủ công sẽ còn được thấy trong bao lâu nữa. Có thể mai này, nghề đan cót sẽ dần mai một, công việc kiếm thêm thu nhập của nhiều người dân nơi đây cũng không còn phát triển mà thay vào đó là các ngành nghề khác, nhưng hình ảnh người phụ nữ miệt mài đan nát cùng những tấm cót thô sơ, giản dị mà thân thuộc một thời sẽ còn mãi trong tâm trí của rất nhiều người, nhiều thế hệ trên mảnh đất này.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top