Hộ nghèo hay hộ lười?

08:43 - Thứ Năm, 14/09/2017 Lượt xem: 5772 In bài viết
ĐBP - Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Ðiện Biên hiện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 44,82%. Trong đó 5 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao hưởng 70% chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo; 101 xã đặc biệt khó khăn, 103 xã thuộc Chương trình 135… đang gặp nhiều “rào cản” về điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Ðặc biệt, một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn tỉnh vẫn có tư tưởng: Chính sách hỗ trợ nghèo là một đặc quyền được hưởng, khiến tấm giấy chứng nhận hộ nghèo vô tình trở thành “mỏ neo” tiêu cực, kìm hãm họ vươn lên.

Theo Nghị quyết Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh, mỗi hộ nghèo được hưởng không dưới 10 chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp. Ðiển hình như các chính sách hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ tiếp cận giáo dục, y tế, thông tin; hỗ trợ tín dụng ưu đãi; các Chương trình 30a, 135... áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều. Qua phân tích các chính sách này có thể thấy, phần lớn các chương trình hỗ trợ đều mang tính khuyến khích, thúc đẩy người nghèo vươn lên thoát nghèo theo tinh thần “trao cần câu chứ không trao con cá”. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế tại cơ sở, về bản chất, người dân vẫn hiểu một cách đơn giản đến... nguy hiểm rằng: Dù đa chiều hay đơn chiều thì còn nghèo là còn được hỗ trợ! Thậm chí phương pháp tiếp cận, rà soát, thống kê, công nhận hộ nghèo đa chiều cũng nhận không ít phản hồi trái chiều từ các địa phương.

 

Nông dân xã Na Sang (huyện Mường Chà) phát triển kinh tế từ chăn nuôi.

Nói về nhận thức, thái độ của người dân đối với chính sách hỗ trợ người nghèo ở địa bàn vùng cao, khó khăn, ông Vàng Giống Lầu, Bí thư Ðảng ủy xã Phình Giàng (huyện Ðiện Biên Ðông) chia sẻ: Bình xét, hỗ trợ hộ nghèo là chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước nhằm tạo công bằng xã hội. Những gia đình gặp bất hạnh, neo đơn, rủi ro... trong cuộc sống rất cần sự quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng: Nhận thức của người dân về thoát nghèo trên địa bàn còn rất hạn chế, người dân vẫn coi việc công nhận hộ nghèo là cái “được” chứ không phải “bị”, thậm chí tìm nhiều cách để có tên trong danh sách hộ nghèo để được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều chính sách của Nhà nước khi được áp dụng xuống địa bàn góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhưng chính vì người dân không hiểu, không phát huy một cách đúng đắn, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, buông xuôi đã khiến nguồn lực không chỉ thiếu hiệu quả mà còn tiềm ẩn hệ lụy. Ðơn cử như chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, đã gần 10 năm trôi qua nhưng phần lớn hộ nghèo được làm nhà 167 trên địa bàn xã vẫn chưa thoát nghèo. Khoản vốn vay đối ứng (trên 10 triệu đồng cả gốc và lãi) đã đến thời hạn nhưng những hộ này cũng không có khả năng chi trả. Qua sự việc này khiến những hộ tiến bộ, tích cực vươn lên thoát nghèo băn khoăn, phải chăng chính sách đang hỗ trợ hộ lười?!  

 

Một số địa bàn ở huyện Ðiện Biên Ðông đề xuất hỗ trợ vốn cho hộ có điều kiện phát triển kinh tế nhằm kích cầu lao động, tạo việc làm cho người nghèo.

Cùng quan điểm với ông Vàng Giống Lầu nhưng có những nhận định, phương hướng táo bạo hơn, ông Vàng A Minh, Chủ tịch UBND xã Keo Lôm, huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Tôi đã công tác ở cơ sở được 20 năm, từng nhiều năm trực tiếp tham gia triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Nguồn lực từ Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo trong những năm qua trên địa bàn xã là không hề nhỏ. Thống kê qua danh sách vay vốn ưu đãi hàng năm, trong đó phần lớn người dân nêu mục đích vay là “mua gia súc”, nếu đúng như vậy thì 20 năm qua, trâu, bò trên địa bàn xã Keo Lôm đã nhiều đến mức... không còn chỗ để chăn! Vậy gia súc đi đâu khi theo thống kê, lượng gia súc vẫn ở mức “phát triển ổn định”? Phải chăng nguồn vốn đó đang “như gió vào nhà trống”; thậm chí chủ nhà đã làm “rơi rớt” ngay trên đường từ nơi nhận hỗ trợ về nhà? Theo ông Minh, các cấp, ngành cần nghiên cứu, xem xét việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ một cách phù hợp hơn. Nên ưu tiên hỗ trợ trước cho những hộ sắp thoát nghèo, có tư tưởng tiến bộ, ý chí thoát nghèo với những cam kết rõ ràng. Như thế việc giảm nghèo bền vững hơn. Về trách nhiệm chính quyền cơ sở cần sâu sát, công tâm hơn trong công tác rà soát, bình xét, thống kê hộ nghèo, dứt khoát không hỗ trợ những hộ “lười”!

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top