Cần có giải pháp tháo gỡ cho chính sách bảo vệ phát triển rừng

14:50 - Thứ Sáu, 15/09/2017 Lượt xem: 7270 In bài viết
ĐBP - Việc giao đất lâm nghiệp chưa có rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh là cần thiết và cấp bách, không chỉ gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững mà còn phủ xanh đất trống, đồi trọc, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

 

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Nhé cùng người dân bản Nậm San 1, xã Nậm San tuần tra bảo vệ rừng.

Ngoài tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, tiếp tục đầu tư phát triển rừng theo hướng tập trung khoanh nuôi tái sinh rừng, chỉ tiêu trồng rừng mới năm 2017 trên toàn tỉnh là 2.200ha, bao gồm rừng phòng hộ, rừng thay thế và rừng sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, mùa trồng rừng đã trôi qua (1/5 – 30/7), toàn tỉnh thực hiện được 1.600ha, đạt 72,7% kế hoạch. Lý giải về vấn đề này, ông Lò Quang Chiêu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Việc giao đất trống quy hoạch lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, bản để trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng là rất cần thiết. Ngoài phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ nguồn đất, chống xói mòn, đảm bảo an ninh quốc gia, người dân còn được thụ hưởng các chính sách của nhà nước khi tham gia bảo vệ phát triển rừng. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, UBND các huyện, thị và các ban quản lý rừng phòng hộ đã gặp những khó khăn khi áp dụng chính sách mới, như: Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ; Quyết định 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 93/2016/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 27/6/2016 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định: Đối với đất trồng rừng, người tham gia trồng rừng phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền. Điều này là rất khó, vì thực tế trên địa bàn tỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng là rất ít. Trong khi đó, nếu người dân không được giao đất trồng rừng đồng nghĩa với việc sẽ không được thụ hưởng các chính sách trồng rừng, dẫn đến hàng năm ngành không thực hiện được kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là chỉ tiêu trồng rừng.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng không song hành với kế hoạch vốn giải ngân, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình thực hiện. Cụ thể như, cuối quý IV năm 2016 Ngành được giao khối lượng trồng rừng của năm 2017, nhưng đến cuối tháng 5 năm 2017 thì  mới có chủ trương giải ngân vốn đầu tư. Trong khi đó, trồng rừng là một công việc đặc thù, không giống như trồng trồng lúa, ngô chỉ việc mua giống, làm đất trong vài ngày là có thể gieo, trồng được. Đối với trồng rừng, để thực hiện đúng mùa vụ, công tác chuẩn bị phải thực hiện trước đó cả nửa năm hoặc nhiều tháng trước đó, như: Đo đạc, thiết kế hồ sơ lâm sinh, chuẩn bị cây giống, phát thực bì, đào hố… chính vì vậy nhiều chủ đầu tư còn e dè.

Được biết, để khắc phục những khó khăn trên, UBND các huyện đã ra quyết định tạm giao đất đối với diện tích đã có hồ sơ thiết kế để chủ đầu tư và người dân có cơ sở thực hiện. Tuy nhiên đó là giải pháp tạm thời, về lâu dài vẫn cần có các điều kiện theo quy định đảm bảo tính pháp lý, để công tác bảo vệ và phát triển rừng không còn trở ngại, để người dân thực sự là chủ rừng và được hưởng lợi từ rừng.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top